Tài chính

Nhiều ngân hàng tiếp tục cắt giảm nhân sự trong quý đầu năm

Tóm tắt:
  • Tổng số nhân viên toàn hệ thống ngân hàng giảm hơn 2.100 người trong quý I/2025, với LPBank, Sacombank và VIB cắt giảm nhiều nhất.
  • BIDV, Techcombank và Eximbank tiếp tục tuyển dụng mạnh tay, phản ánh xu hướng trái chiều về nhân sự trong ngành ngân hàng.
  • LPBank giảm nhân sự sâu nhất, với 1.619 người, giảm 14,5% so với năm ngoái.
  • Nhiều ngân hàng lớn vẫn tuyển dụng có chọn lọc ở các vị trí chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
  • Các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực nhân sự để tăng năng suất và giảm chi phí vận hành.

Trong quý I/2025, ngành ngân hàng ghi nhận xu hướng trái chiều về nhân sự sau một năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ. Một mặt, nhiều ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô nhân sự để phục vụ chiến lược phát triển kinh doanh, song mặt khác, không ít nhà băng bắt đầu điều chỉnh lực lượng lao động, cắt giảm số lượng nhân viên nhằm tối ưu chi phí.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng, tổng số lượng nhân viên toàn ngành tính đến ngày 31/3/2025 là 277.024 người, giảm 2.143 người so với thời điểm cuối năm 2024. Tỷ lệ giảm tương ứng là 0,8%, cho thấy bước lùi nhẹ của ngành về quy mô lao động.

LPBank dẫn đầu đà cắt giảm, Sacombank tiếp tục tinh gọn trong thời gian tới

LPBank là ngân hàng ghi nhận mức cắt giảm nhân sự sâu nhất trong quý, giảm tới 1.619 người, tương đương 14,5%, từ 11.189 người xuống còn 9.570 người. Đây là mức giảm hiếm thấy trong thời gian ngắn và có thể phản ánh quá trình tái cấu trúc sâu hoặc chuyển đổi mô hình vận hành. 

Theo báo cáo tài chính ngân hàng, trong quý I, thu nhập bình quân nhân viên của LPBank đạt 24,63 triệu đồng/người/tháng, giảm nhẹ so với mức 24,78 triệu đồng/người/tháng của cùng kỳ 2024. Trong quý, chi phí dành cho nhân viên đạt gần 733 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ (bao gồm chi lương và phụ cấp, các khoản chi đóng góp theo lương, chi trợ cấp thôi việc, chi phí khác cho nhân viên). 

Xếp sau LPBank là Sacombank, giảm 970 người (tương đương giảm 5,4%) và VIB với mức giảm 522 người (giảm 4,4%). Đối với Sacombank, trong năm 2024 Sacombank cũng thực hiện cắt giảm 426 người so với thời điểm cuối năm 2023. 

Tại đại hội thường niên năm 2025, Chủ tịch Hội đồng Quản trịDương Công Minh nói: "Năm 2024, nhân sự của ngân hàng đã giảm 500 người. Trong năm 2025 - 2026, Sacombank sẽ tiếp tục xu hướng này, giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số”.

Trước mắt, Sacombank tuyển dụng những chuyên gia đầu ngành từng làm việc ở các hãng, các công ty đối tác. Ngân hàng mời những chuyên gia này sang theo phương thức hợp tác.

Ngoài hai ngân hàng trên, SeABank và TPBank cũng ghi nhận mức giảm đáng kể với cắt giảm lần lượt 278 nhân sự và 121 nhân sự, tương ứng tỷ lệ 5% và 1,5%. Trong khi đó, ACB cũng tiếp tục cắt giảm nhân lực trong quý I/2025 với mức giảm là 75 người (giảm 0,6%). ABBank, Vietcombank, VPBank và Saigonbank đều nằm trong danh sách cắt giảm nhẹ.

 

Khối quốc doanh và tư nhân lớn đẩy mạnh tuyển dụng

Ngược lại với xu hướng cắt giảm, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục mở rộng lực lượng lao động trong ba tháng đầu năm. BIDV là ngân hàng có quy mô nhân sự lớn nhất ngành (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý I), tăng thêm 354 người, nâng tổng số nhân viên lên 29.352 người, tiếp tục duy trì ngôi đầu bảng. 

Một đại diện khác trong nhóm Big4 là "ông lớn" VietinBank cũng ghi nhận tăng quy mô nhân sự lên 183 người trong quý đầu tiên năm 2025.

Techcombank là ngân hàng tư nhân có mức tăng mạnh thứ hai trong hệ thống với 347 nhân sự mới, nâng tổng số lên 12.195 người, tương ứng tăng 2,9%. Trong khi đó, Eximbank, OCB và NCB đều ghi nhận mức tăng từ 2,7% đến 3%, cho thấy đà tuyển dụng tiếp tục tập trung ở các ngân hàng đang mở rộng mảng bán lẻ hoặc mạng lưới.

Các ngân hàng cắt giảm nhân sự trong quý I/2025 hầu hết đều nằm trong nhóm đang thực hiện  đẩy mạnh chuyển đổi số, dẫn đến tinh gọn bộ máy vận hành. Việc giảm nhân sự trong thời gian ngắn thường nhằm mục tiêu nâng cao hiệu suất lao động, tái phân bổ nguồn lực từ chi nhánh truyền thống sang các mảng công nghệ, ngân hàng số hoặc các trung tâm dịch vụ tập trung.

Mặt khác, một số ngân hàng quy mô lớn vẫn tuyển dụng có chọn lọc ở các vị trí chiến lược như công nghệ thông tin, ngân hàng số, phân tích dữ liệu và kiểm soát rủi ro, các mảng được xem là ưu tiên phát triển trong bối cảnh cạnh tranh và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

 

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, điều này đòi hỏi nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên. Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là một xu hướng tất yếu và chiến lược ưu tiên hàng đầu. Để tăng tốc quá trình này, việc nâng cao năng lực số cho nhân lực trở thành yêu cầu quan trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này. Đơn cử như ban hành khung năng lực, khung chương trình cho các lĩnh vực chuyên môn chính,...Thống đốc NHNN ký Quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ tại đại hội thường niên năm 2025, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết ngân hàng đang tập trung đầu tư mạnh vào hai nền tảng công nghệ là App MBBank và BIZ MBBank nhằm phục vụ khách hàng 24/7 mà không cần nhân viên hỗ trợ. Nhờ ứng dụng công nghệ, MB từng đạt mức tăng trưởng doanh thu 20–30% mà không cần tăng nhân sự.

Chủ tịch tiết lộ trong ba năm tiếp theo MB dự kiến tăng 25 - 35% về quy mô và do đó, ngân hàng phải chuẩn bị trước nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc tăng gấp 2,5 lần quy mô. Ông cho biết: "Chỉ dùng công nghệ thôi tôi tin là vẫn có thể làm được nhưng để dự phòng thì năm nay MB dự kiến tăng 1.000 người, chủ yếu trong kinh doanh và công nghệ. Năm sau sẽ giảm tốc độ".

 Chủ tịch MB Lưu Trung Thái chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: MB).

Chia sẻ thêm về quá trình chuyển đổi số, ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng, ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB, cho biết quan điểm của MB khi làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự mà để tăng năng suất lao động của cán bộ nhân viên.

"Chuyển đổi số giúp công việc đơn giản hơn và nhân viên chuyển dịch sang các công việc có giá trị hơn.", ông Trung nói.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng Eximbank cũng cho biết ngân hàng xác định chuyển đổi số không chỉ là số hóa các thao tác thủ công, mà là tư duy số hóa toàn diện: onboarding khách hàng trực tuyến, triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng số, phục vụ khách hàng trên không gian số.

Điều này sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, tăng tốc độ và năng suất hệ thống. Tuy nhiên, đi cùng với đó là yêu cầu đầu tư lớn cho công nghệ và hoạch định rõ ràng để không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển công nghệ mới.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mua một hãng bay Trung Á

Vietjet và Qazaq Air công bố hợp tác chiến lược, chuẩn bị cho ra mắt hãng hàng không “Vietjet Qazaqstan” tại Diễn đàn Doanh nghiệp Kazakhstan – Việt Nam. Sự kiện diễn ra trang trọng với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Cộng hòa Kazakhstan.

Ăn gì dễ hại gan?

Ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung và chất béo không lành mạnh góp phần tích tụ mỡ, tổn thương gan, gây viêm nhiễm.

Người phụ nữ sốc phản vệ, nguy kịch khi đang nâng mũi

Một phụ nữ 28 tuổi đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ nguy kịch khi đang thực hiện ca phẫu thuật nâng mũi. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên lo ngại về các tai biến y khoa có thể xảy ra trong quá trình làm đẹp, đặc biệt khi can thiệp xâm lấn có gây mê.