Năm nay, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) dự định tập trung nguồn lực để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 cho nhà máy lọc dầu Dung Quất - một trong hai nhà máy lọc dầu chính của Việt Nam. Sự kiện này dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2024.
Ban đầu, việc bảo dưỡng được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2023. Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp ổn định nguồn cung xăng dầu trong nước nên việc này đã được thống nhất dời sang 2024.
Trước đó, BSR đã 4 lần thực hiện bảo dưỡng định kỳ nhà máy, lần lượt vào các năm 2011 (60 ngày), 2014 (54 ngày), 2017 (52 ngày) và 2020 (51 ngày). Thời gian thực hiện bảo dưỡng ngày càng được rút ngắn và lần 5 này, BSR cùng các nhà thầu phấn đấu tiến độ dưới 50 ngày.
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp lọc dầu đặt kế hoạch đi lùi. Ngoài ra, BSR cũng thường có xu hướng đặt mục tiêu kinh doanh ở mức thấp vào đầu năm, sau đó tùy vào tình hình kinh doanh sẽ thay đổi vào gần cuối năm.
Năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của BSR kỳ vọng đạt 95.274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ và nộp ngân sách nhà nước hơn 10.597 tỷ đồng. Mục tiêu sản xuất được hơn 5,27 triệu tấn sản phẩm các loại và tiêu thụ được hơn 5,66 triệu tấn thành phẩm.
So với kế hoạch kinh doanh 2023 vừa điều chỉnh, mục tiêu năm nay của BSR giảm 34% về doanh thu và giảm hơn 76% về mặt lợi nhuận. Đây cũng là mục tiêu thấp nhất kể từ năm 2022.
Còn nếu so với tổng doanh thu năm 2023 vừa công bố gần 146.500 tỷ đồng, kế hoạch kinh doanh tạm thời năm 2024 của BSR giảm 35% và thấp nhất kể từ năm 2021. Sản lượng sản xuất giảm 28% so với năm ngoái.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cũng là doanh nghiệp có xu hướng lên kế hoạch thận trọng vào đầu năm và điều chỉnh trước giờ chốt sổ.
Năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất Đạm Cà Mau kỳ vọng là 11.878 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 841 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và giảm 18% so với ước tính năm ngoái. Đồng thời chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Nếu so với kế hoạch 2023 vừa được điều chỉnh ngay cuối năm ngoái, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mục đích của năm 2024 cũng giảm 18%.
Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11/2023, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng giá urê trong năm 2024 sẽ cao hơn so với cùng kỳ do Trung Quốc và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá tại Campuchia là một rủi ro đối với giá bán urê trung bình của doanh nghiệp.
Còn Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện công suất của 4 nhà máy phân ure lớn nhất của Việt Nam là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Vì vậy, nguồn cung ure sản xuất trong nước vẫn dồi dào.
Trong nhóm ngành thép, mới chỉ có CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) công bố kế hoạch năm 2024 với mục tiêu có lãi sau thuế 80 tỷ đồng, giảm 47% so với kế hoạch năm ngoái.
9 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn SMC đã phải báo lỗ sau thuế tới 586 tỷ đồng và còn cách rất xa mục tiêu có lãi 150 tỷ. Giữa tháng 10/2023, HĐQT đã thông qua chủ trương thu hẹp sản xuất kinh doanh và nhân sự trong toàn hệ thống đồng thời tiết giảm tất cả chi phí phát sinh.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng việc giải ngân đầu tư công tiếp tục bứt phá, gói kích thích kinh tế của Chính phủ tung ra và ngành bất động sản nội địa dần được khơi thông sẽ giúp tăng nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong các quý tới. Tuy nhiên, điểm tiêu cực đối với ngành đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng về tương lai tươi sáng hơn trong năm 2024.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2023, các chỉ tiêu lần lượt giảm 14% về doanh thu nhưng tăng gần 2,5 lần về mặt lợi nhuận.
Mục tiêu năm 2024 cho thấy tập đoàn đang kỳ vọng tình hình kinh doanh quay trở lại tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên cần nhắc lại là trong 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã lỗ sau thuế 884 tỷ đồng và ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch công ty thừa nhận khả năng để công ty đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.
Dù chưa công bố kế hoạch cụ thể nhưng Vietnam Airlines kỳ vọng có thể thoát lỗ trong năm 2024, thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối 2023.
"Kỳ vọng sau một thời gian không lâu, Vietnam Airlines sẽ cân bằng được tài chính, khắc phục được hệ quả COVID-19, đưa trạng thái tài chính về an toàn. Chúng tôi cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng nói.
Một trong những cách bổ sung dòng tiền đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo hoàn trả các khoản nợ nhà cung cấp và nợ vay theo lộ trình đã cam kết của hãng hàng không này là thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS) năm 2023 và Skypec năm 2024.
Năm 2023, công ty mẹ Vietnam Airlines ước tính lỗ khoảng 5.350 tỷ đồng, kết quả hợp nhất lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2023 dự kiến tăng gần 28% so với năm trước đó lên 91.810 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC - Mã: MVN) đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.742 tỷ đồng, giảm 1% so với ước tính 2023, trong đó kỳ vọng khối cảng biển sẽ tăng trưởng trong khi vận tải biển sẽ thách thức hơn vì nguồn tàu tiếp tục dư cung. Hiện tại các hàng tàu đang cạnh tranh rất khốc liệt và còn phải đáp ứng xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải.
Tuy nhiên, VIMC kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ tăng 4% so với ước tính năm 2023 lên 2.169 tỷ đồng nhờ thanh lý tàu già hết khấu hao.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cũng có nhiều tham vọng cho năm 2024 khi đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Lợi nhuận trước thuế ở mức 804 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng.
Mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng hơn 3% so với kế hoạch 2023 và nếu đạt được sẽ là con số kỷ lục. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế cao hơn 28% so với kế hoạch năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn kết quả đạt được giai đoạn đỉnh điểm 2020 - 2021.
Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp tập đoàn chăn nuôi này đề ra kế hoạch doanh thu quanh mức tỷ USD, nhưng thực tế không được suôn sẻ. Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch thu tổng cộng 22.558 tỷ đồng nhưng kết quả chỉ đạt hơn 11.760 tỷ.
Kế hoạch năm 2023 là thu 24.562 tỷ đồng nhưng kết quả 9 tháng đầu năm mới ở mức 8.798 tỷ đồng, tức chưa đến 36% mục tiêu và nhiều khả năng lại không hoàn thành kế hoạch cả năm.
Cơ sở cho kế hoạch năm 2024 của Dabaco một phần dựa trên việc công ty này vừa công bố phát triển thành công vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) và trở thành công ty thứ 3 làm được điều này. Dabaco còn dự định xuất khẩu vắc xin sang các quốc gia chăn nuôi heo lớn.
“Việc thương mại hóa thành công vắc xin ASF có thể mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho Dabaco trong cả trung và dài hạn”, Chứng khoán Vietcap nêu quan điểm.
Trong khi đó, Viglacera (Mã: VGC) kỳ vọng lợi nhuận chỉ nhích nhẹ 0,5% so với kế hoạch năm ngoái lên 1.216 tỷ đồng. Mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng, giảm 14%.
Báo cáo của SSI Research cho rằng, tăng trưởng doanh thu của Viglacera sẽ được hỗ trợ bởi mảng vật liệu xây dựng nhờ số lượng căn hộ mở bán và tăng trưởng từ các dự án đầu tư. Trong khi đó doanh thu mảng cho thuê khu công nghiệp sẽ đi lùi do giá thuê trung bình giảm.