Nêu ý kiến tạiDiễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" diễn ra ngày 9/1, TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM, Đại biểu Quốc hội cho rằng trong 2023 trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp nhưng thành công của Việt Nam là lãi suất được ổn định, tỷ giá trồi sụt nhưng nhìn chung ổn định.
Với vấn đề lãi suất, ông Tuấn cho rằng xu thế lãi suất trên thế giới vẫn khá cao còn Việt Nam đã kiếm soát rất tốt, hạ lãi suất 4 lần trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều chỉ số lại bộc lộ những điểm yếu, đầu tư thành lập doanh nghiệp có tăng nhưng tổng vốn đầu tư/doanh nghiệp giảm đến một nửa, dòng tiền đưa vào nền kinh tế còn chậm… cho thấy niềm tin của nhà đầu tư với thị trường chưa thể hồi phục.
Các yếu tố này đẩy nền kinh tế vào thái cực ngân hàng dư tiền, lãi suất huy động xuống thấp nhưng người dân gửi tiền vào ngân hàng là chủ yếu chứ không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hai yếu tố khiến ngân hàng ế vốn là do rủi ro trong môi trường kinh doanh và thủ tục đầu tư rất phức tạp, khó khăn.
Vì vậy, ông cho rằng cần cải thiện các chính sách để vốn đưa vào nền kinh tế nhanh hơn, qua đó kích cầu hiệu quả nền kinh tế. "Thủ tục đầu tư hiện dù nhanh cũng tốn thời gian gấp đôi so với việc đầu tư xây dựng hoàn thiện một dự án tầm trung. Điều này khiến tiến độ dự án càng chậm trễ và không đưa được dòng vốn vào nền kinh tế", ông Tuấn đánh giá.
Theo ông, dòng tiền không đi vào thực tế sẽ không thể đem lại hiệu quả. Đơn cử như Chương trình phục hồi và phát triển vốn được đưa ra từ năm 2021 - 2022 nhưng nay vẫn còn kéo dài và phải xin gia hạn sang 2024.
Do đó, ông Tuấn đề xuất Việt Nam cần giải quyết vấn đề về thủ tục đầu tư để đưa dòng tiền vào nền kinh tế. Nếu không rút gọn về trình tự đầu tư, quá thận trọng đến mức làm giảm hiệu quả dự án nên sẽ khó có sự đột phá trong kích cầu tiêu dùng sản xuất, kích cầu sản xuất, xuất khẩu.
Có chính sách, chủ trương nhưng khi triển khai không có cơ chế để rút gọn, triển khai thủ tục thì dòng tiền đầu tư công khó đi được vào nền kinh tế. Tốc độ quay vòng đầu tư hiện rất là chậm, đáng nhẽ là chu kỳ 5 năm nhưng thường bị kéo dài và chậm trễ nên không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Trưởng ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM đánh giá thủ tục quá thận trọng khiến nền kinh tế tự kiềm chế và trói buộc mình, không bứt phá được. Cho dù có những chính sách tốt nhưng nếu không triển khai được thì dòng vốn đầu tư cũng bị vô hiệu quá khiến cho tăng trưởng kinh tế "trôi tự do", trồi sụt kém ổn định.
Nhận định về kinh tế thực, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng cho dù nền kinh tế tài chính tiền tệ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt, thanh khoản ngân hàng ổn định, chứng khoán, trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh, xử lý ngân hàng yếu kém kéo dài hàng chục năm còn nhiều khó khăn. Nợ xấu gia tăng, nợ nội bảng hiện trên ngưỡng gần 3,4%, tiếp tục xu hướng tăng.
Ngoài ra, lòng tin vào thị trường tài chính chưa được cải thiện, điển hình là trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng cho người dân gắn với câu chuyện bất động sản, mua nhà, sửa nhà… Gần 64% tín dụng bất động sản là dành cho cá nhân, nhưng trong 2023 tín dụng cho cá nhân gần như không tăng.
"Khó khăn nhất đã qua, hy vọng áp lực từ yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới" ông Thành nhận định.