Ngày 8 và 9/1 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường.
Theo đó, Quốc hội chính thức quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường từ ngày 15/1 đến ngày 18/1/2024 và dự kiến xem xét, thông qua: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), và một số Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên tập trung cho ý kiến thêm về ba nội dung, gồm: Vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại dịch vụ; phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất và quỹ phát triển đất.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhưng dời thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp tiếp theo.
Đến nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.
Trong báo cáo cập nhật ngành bất động sản mới đây, Chứng khoán Vietcap cho rằng những đề xuất sửa đổi trong Luật Đất đai (trình Quốc hội lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10 - 11/2022) thể hiện định hướng của Chính phủ trong việc đưa ra cơ chế giá đất theo giá thị trường, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu, hạn chế đầu cơ đất đai.
Ngoài ra, so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tháng 10/2023, bản dự thảo tháng 12/2023 đã nêu rõ hơn vai trò của Chính phủ trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua đấu giá và đấu thầu. Điều này có thể hỗ trợ quá trình thu hồi đất để làm dự án cho các chủ đầu tư.
Nhóm phân tích nhận định việc tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và Quốc hội trong việc giải quyết các vướng mắc pháp lý và phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch và bền vững hơn.
Từ đầu năm 2023, Thủ tướng đã kêu gọi chính quyền địa phương tháo gỡ những vướng mắc pháp lý của dự án, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh không hợp thực hóa các sai phạm pháp luật.
Do đó, sẽ không có cơ sở để kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải cứu các dự án bị ách tắc do sai phạm, nhưng có thể sẽ cần nhiều thời gian để chính quyền địa phương có thể tham khảo và xin hướng dẫn của các cơ quan cấp cao hơn như Thủ tướng và các Bộ liên quan để có giải pháp phù hợp.
Vietcap cho rằng việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có thể hỗ trợ tâm lý chung của thị trường bất động sản và từ từ có tác động tích cực đến phía nguồn cung dự án. Mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành các nghị định sửa đổi để phù hợp với Luật trước thời điểm này.
Vì vậy, nhóm phân tích nhận định những tác động của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có ảnh hưởng tương đối nhanh chóng. Các chủ đầu tư có vị thế tài chính vững mạnh và có thành tích phát triển dự án tốt dự báo sẽ vẫn duy trì được vị thế thuận lợi để phát triển và thương mại hóa từ quỹ đất hiện hữu khi luật sửa đổi có hiệu lực.