Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong chuyến thăm và làm việc tại khu vực Bắc Mỹ, ngày 15/8, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy dẫn đầu đã phối hợp với Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Á (AACC) tổ chức buổi tọa đàm nhằm kết nối doanh nghiệp của hai nước, cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất, bảo hiểm và tài chính…
Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hữu Huy đã cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản khoảng 150 tỷ USD.
Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2018, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 7 doanh nghiệp là công ty cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Một số doanh nghiệp tăng trưởng cao như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Bắc… cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách để phát hiện các vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp Mỹ tại tọa đàm đã chăm chú lắng nghe phần trình bày giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước và đặt rất nhiều câu hỏi về những lĩnh vực quan tâm. Tiến sĩ Gergana D. Yordanova của trường Chính sách công tại Đại học George Mason cho biết: “ Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ vào năm ngoái, vấn đề hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ vốn đã rất phát triển, thì nay lại có thêm nhiều hướng đi mới và các chuyên ngành đào tạo được đa dạng, mở rộng hơn rất nhiều. Hiện Đại học George Mason có khá đông sinh viên Việt Nam đang theo học và nhà trường đã có các kế hoạch hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực mà trường có thế mạnh với các trường đại học tại Việt Nam”.
Tọa đàm đã ghi nhận được nhiều ý kiến trao đổi có giá trị cho các nội dung hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt – Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất để tiếp tục thực hiện các bước trong thỏa thuận hợp tác đầu tư từ buổi tọa đàm kết nối này.