Thời gian gần đây, Lan Khuê liên tục bận rộn với lịch trình công việc dày đặc, có lẽ vì thế bà mẹ 1 con ít có thời gian chia sẻ về con trai Connor. Tuy khoảnh khắc của em bé không nhiều nhưng cứ mỗi lần xuất hiện lại khiến cho mọi người phải trầm trồ, nể phục.
Mới đây, quý tử Connor lại được mẹ quay clip khoảnh khắc tự rửa bát sau khi ăn xong. Cậu bé thực hiện thao tác khá thành thạo, gọn gàng như thể đã được làm rất nhiều lần rồi. Không chỉ tự rửa bát, Connor còn giúp mẹ làm nước ép nữa. Ai cũng khen cậu bé rất ngoan ngoãn, đã biết giúp mẹ nhiều việc.
Ai cũng biết gia đình Lan Khuê và ông xã doanh nhân John Tuấn Nguyễn được mệnh danh là giàu nhất nhì Việt Nam. Từ khi sinh ra đời, cậu bé đã "ngậm thìa vàng", là cậu ấm nhà tài phiệt với cuộc sống đáng mơ ước.
Connor được mẹ quan tâm từ bữa ăn tới giấc ngủ, học trường xịn, được tham gia loạt môn năng khiếu như võ, bơi, còn có khu vui chơi riêng trong biệt thự rộng rãi. Tuy vậy, để bảo vệ con hết mức có thể, Lan Khuê rất hiếm khi khoe con trai.
Dẫu giàu có là vậy nhưng qua một vài chi tiết cũng thấy Lan Khuê nuôi con cực kỳ khoa học, hợp lý. Dù gia đình giàu có nhưng cũng không quá nuông chiều con, cho bé tự làm mọi việc theo đúng lứa tuổi. Cách dạy con như vậy cũng giúp bé trở thành người có trách nhiệm, có nhiều kĩ năng hơn trong tương lai.
8 hành động rèn luyện tính tự lập của trẻ
1. Để trẻ tự xúc đồ ăn
Hầu hết trẻ 3 tuổi đều đã có thể tự cầm thìa xúc thức ăn. Con cũng đã có thể cầm cốc uống nước. Mẹ hãy để con tự phục vụ bữa ăn của mình, không nên xúc cơm cho trẻ. Nhiều phụ huynh sợ con ít sẽ bị đói nên thường xúc cơm cho trẻ ăn. Hành động này vô tình khiến con trở nên phụ thuộc. Khi có mẹ đút cơm thì con ăn, không thì trẻ sẽ nhịn đói... Như thế khi đi học, con sẽ không tự phục vụ được chính mình. Và có thể trở nên lạc lõng giữa các bạn trong lớp.
2. Để trẻ tự mặc quần áo hàng ngày
Có rất ít người biết trẻ 3 tuổi đã có thể tự mặc quần áo và đi giày dép. Mẹ có thể giúp trẻ trong khâu lựa chọn đồ để mặc, nhưng sau đó hãy kiên nhẫn chờ con tự thay quần áo nhé.
3. Dạy trẻ cách tự đi vệ sinh
Mẹ hãy dạy trẻ cách nhận biết khi nào con muốn đi vệ sinh. Sau đó hãy hướng dẫn con cách sử dụng toilet. Nếu bé còn nhỏ so với bồn cầu nhà bạn, mẹ hãy cho con ngồi bô hoặc dùng miếng lót trên bồn cầu để con có thể ngồi thoải mái.
Tuy nhiên, nhiều bé còn mải chơi, nhiều khi quên mất việc phải đi vệ sinh, mẹ hãy chú ý nhắc nhở trẻ nhé. Đừng để con nhịn đi tiểu hoặc đại tiện quá lâu.
Sau đó mẹ hãy dạy bé cách rửa tay sau đi khi vệ sinh nữa nhé!
4. Khuyến khích trẻ phụ việc nhà
Ở tuổi lên 3, bé chưa phân biệt được chơi và công việc. Bé chỉ thích làm mọi thứ. Con thường hăng hái giúp đỡ người khác và rất thích nhận về những lời khen ngợi. Mẹ hãy dạy bé 1 số việc nhà đơn giản như dọn dẹp giường sau khi ngủ dậy, tưới cây, dọn dẹp đồ chơi, thu gom rác, gấp quần áo... Phụ huynh đừng đòi hỏi quá cao vì bé còn nhỏ mà!
Vì bé còn quá nhỏ nên không tập trung lâu được, bạn có thể dành khoảng 5-10 phút cuối cùng làm với bé để hoàn thành nốt công việc.
5. Để con tập kết bạn
Khi trẻ lên 3 tuổi, mẹ hãy cho con ra ngoài chơi nhiều hơn để con có thể tự kết bạn với những người khác. Tiến sĩ tâm lý học Susan Bartell nói rằng, trẻ 3 tuổi chưa biết cách chia sẻ cảm xúc của mình nhưng sự nhận thức về cảm xúc của người khác bắt đầu phát triển. Để dạy trẻ nhận thức, bạn có thể nói cho trẻ biết rằng: "Nếu con lấy đồ chơi của bạn, bạn sẽ buồn lắm đấy". Nhờ đó, bé có thể rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp, thấu hiểu và phát triển ngôn ngữ của mình.
6. Cho trẻ tham gia các hoạt động
Cha mẹ đừng quá lo lắng con còn nhỏ mà cấm đoán chúng tham gia những hoạt động trường lớp, hoặc khu phố. Ngược lại khi trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng của mình, con sẽ tự tin hơn, linh hoạt nhanh nhẹn hơn thậm chí vượt qua nỗi sợ hãi khi nghĩ mình không thể làm được.
7. Dạy con tự lập là biết cách kiềm chế cơn giận
3 tuổi, trẻ bắt đầu biết bùng phát cơn giận. Lúc này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và đừng la hét vào mặt con. Ngoài ra hãy nói yêu thương trẻ nhiều hơn, dạy con cách vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ,... để trẻ sớm có thể làm chủ cảm xúc của mình.
8. Đừng ra lệnh, hãy khuyến khích con lựa chọn
Thay vì nói với con: "Nhặt cho mẹ miếng gỗ đó", bạn nên nói: "Con có thể giúp mẹ lấy miếng gỗ đó không?". Sau khi con giúp bạn, đừng quên dành một lời khen ngợi cho bé nhé.
Đôi khi trẻ cũng tự làm theo ý mình. Nếu điều đó hợp lý hoặc không đến nỗi quá tệ hại, mẹ hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Nếu con làm sai, mẹ hãy thẳng thắn chỉ bảo và cho trẻ thấy hậu quả hành động của mình. Như thế con sẽ có ý thức hơn mỗi lần ra quyết định.
Trên đây là một số cách bố mẹ có thể dạy con tự lập khi còn nhỏ. Trẻ học được tính tự lập sẽ sống có trách nhiệm hơn. Ngoài tính tự lập, bố mẹ cần dạy con thêm nhiều kỹ năng để trẻ có thể tự tin hơn khi lớn lên.