Phong cách sống

Kiểm soát thói quen mua sắm online quá mức

Đặt câu hỏi "mình có thực sự cần món đồ này không?"

Mỗi khi thấy một chiếc váy hay áo mới đang được giảm giá, bạn thường không suy nghĩ nhiều và bấm mua ngay. Bạn nên đặt một số câu hỏi trước khi quyết định chốt đơn như: "Mình có thực sự cần món đồ này không?",

"Liệu mình đã có món đồ tương tự trong tủ quần áo chưa?", "Mình sẽ mặc nó ở đâu và khi nào?". Bằng cách trả lời những câu hỏi này, bạn dễ dàng nhận ra nhiều món đồ bạn vô thức muốn mua khi lướt mạng thực chất không cần thiết.

Tránh xa các thiết bị điện tử

Khi "cơn nghiện" mua sắm online đến từ việc thường xuyên lướt điện thoại và từ các cơn lo âu, căng thẳng, bạn có thể đối phó bằng cách tạm thời tránh xa các thiết bị điện tử để nghỉ ngơi, làm những việc khác khiến bạn tập trung vào thực tại nhiều hơn như: Nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa…

Quy đổi giá trị món đồ bằng số giờ làm việc

Đã bao giờ bạn thử quy đổi giá trị những món đồ muốn mua bằng số giờ làm việc để mua được chúng? Khi bạn thấy rằng số tiền định chi tiêu có thể tương đương với một khoảng thời gian làm việc đáng kể, bạn sẽ cân nhắc xem có nên dành số tiền đó cho những cơ hội khác như đầu tư, tiết kiệm hoặc những hoạt động có giá trị lâu dài hơn.

Lên danh sách những sản phẩm cần mua

Việc tuân thủ danh sách mua sắm được thiết lập kỹ càng sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thay vì vô thức lướt mắt qua những sản phẩm hấp dẫn, bị quyến rũ bởi những sản phẩm bạn thật sự không cần đến, hãy lập một danh sách tất cả những thứ cần mua trước khi mở ứng dụng lên và bắt đầu "đi chợ".

Đừng quên xác định những mặt hàng quan trọng và cần ưu tiên mua để không bị sa đà vào việc chốt đơn.

Không mua hàng theo cảm xúc

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tâm trạng tồi tệ tỷ lệ thuận với mức chi tiêu "mù quáng" mà con người sẵn sàng bỏ ra. Điều này có nghĩa là khi cảm thấy căng thẳng hay buồn khổ, chúng ta thường sẽ mua sắm, tiêu tiền để giúp tâm trạng mình thoải mái hơn.

Song, việc mua hàng khi bản thân đang stress dễ khiến chúng ta đưa ra những quyết định không chính xác, hoặc tiêu quá nhiều tiền vào những món đồ thật sự không cần thiết. Bạn có thể cải thiện tâm trạng bằng một số cách khác như đi dạo, nghe vài bản nhạc mà bạn yêu thích hoặc nấu nướng…

Thanh lọc ứng dụng mua sắm online

Bạn nên thanh lọc các ứng dụng mua sắm online trên điện thoại hay máy tính của mình. Bạn chỉ giữ lại những ứng dụng uy tín, chất lượng và phù hợp với nhu cầu của mình. Bạn cũng nên hạn chế việc lưu lại thông tin thanh toán hay địa chỉ giao hàng trên các ứng dụng này, để tăng độ khó khăn khi muốn mua sắm online.

Sử dụng thời gian rảnh một cách hữu ích

Thay vì lãng phí thời gian cho việc lướt web hay mua sắm online, bạn nên tìm kiếm những hoạt động có ích hơn cho sức khỏe, sự phát triển của bản thân. Bạn có thể đọc sách, học ngoại ngữ, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh, làm thiện nguyện hay gặp gỡ bạn bè.

Những hoạt động này không chỉ giúp bạn giải tỏa stress, tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng giao tiếp, mà còn giúp bạn tiết kiệm được tiền bạc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm