Doanh nghiệp

"Nhiều đài truyền hình không khai thác hết thời lượng quảng cáo"

Thông tin này được Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết tại hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" do Bộ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức ngày 14/6.

Mở đầu phần phát biểu, ông Dũng dẫn lại câu nói của George Bernard Shaw rằng "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống". Theo ông, kinh tế cũng góp phần tạo nên sự phát triển sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Việt Nam. Ông khẳng định nếu không thể có một cơ báo chí mạnh nếu không có sự hỗ trợ đắc lực về kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế tình hình sức khỏe tài chính của nhiều cơ quan báo chí ngày càng suy giảm, doanh thu đi xuống. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nói trong 9 tháng đầu năm ngoái, doanh thu của các báo, tạp chí giảm 9,4% so với cùng kỳ 2022. Còn doanh thu của các đài phát thanh truyền hình cả năm ngoái giảm đến 23%.

"Hầu hết các đài đều không khác thác được hết thời lượng quảng cáo hàng ngày trên kênh theo quy định tại Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng mỗi ngày, 5% với kênh truyền hình trả tiền", ông Dũng chia sẻ và nói thêm thậm chí có đài chỉ bán quảng cáo trên kênh được vài phút một ngày.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội thảo ngày 14/6. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội thảo ngày 14/6. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Thứ trưởng, quảng cáo vẫn là nguồn thu chính cho các cơ quan báo chí, có thể chiếm đến 90%. Tuy nhiên, hiện nay báo chí phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh khi các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google lấy đi 70%.

Một số đơn vị còn gặp vướng mắc với các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện tại, chi cho đầu tư báo chí thấp - chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách. Một số báo thử nghiệm mô hình thu phí nội dung từ độc giả nhưng cũng mới ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể.

Đây cũng đều là những bất cập được đại diện một số cơ quan báo chí, chuyên gia chỉ ra tại hội thảo. GS.TS Dianlin Huang tại Đại học Truyền thông Trung Quốc chia sẻ các cơ quan báo chí tại nước này cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn tương tự dù cũng đã nỗ lực thích nghi, thay đổi trong bối cảnh các mạng xã hội Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết năm nay Bộ sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí. Trong đó, luật mới sẽ đưa ra những khái niệm, tiền đề mới để giúp đỡ báo chí phát triển, cũng như giải quyết cả vấn đề kinh tế báo chí.

Đồng thời, với thể chế mới, các cơ quan báo chí sắp tới có thể cung cấp các dịch vụ cho nhà nước theo đơn đặt hơn trên nhiều nền tảng, không chỉ trên mỗi nền tảng gốc. Ông cũng cho rằng việc cơ quan nhà nước tăng đặt hàng báo chí cần được coi như là một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội.

Theo ông Lâm, việc này nhằm đón tập người dùng mới, thói quen, hành vi đã thay đổi, không còn nhìn nhận, định vị báo chí trong các dạng thức truyền thống. "Độc giả ở đâu, báo chí phải gặp họ ở đó để cung cấp thông tin chính thống cho người tiêu dùng thế hệ mới", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông thông tin Nghị định 18 về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng đang được sửa đổi để việc sử dụng nội dung của báo chí theo đúng những quy định về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả. Động thái này cũng nhằm giúp các đơn vị báo chí tránh tiếp tục bị bào mòn bởi tình trạng vi phạm bản quyền.

Bên cạnh những sửa đổi về thể chế này, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có những biện pháp nhằm nắn dòng tiền quảng cáo để giảm, hoặc không chảy về các kênh truyền thông vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Dù vậy, Thứ trưởng lưu ý điều quan trọng nhất trong bối cảnh công nghệ thay đổi, mọi mô hình kinh doanh biến động hiện nay là các cơ quan báo chí phải giải quyết được thách thức về quản trị.

"Rõ ràng thách thức của chúng ta là về quản trị. Chúng ta phải thay đổi cách làm báo, cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây có lẽ là việc vô cùng khó, nhưng không thể không làm", ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Ông cho rằng các đơn vị báo chí cần định vị lại sứ mệnh, hướng đi của mình để làm sao thực sự đóng góp vào sự phát triển chung như hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như kinh tế đất nước. Thứ trưởng khẳng định không cơ quan báo chí nào bị bỏ lại phía sau khi thực sự đóng góp được vào sự phát triển chung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm