Xã hội

Nhiều đại biểu không đồng tình bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả

Chiều 20.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án bộ luật Hình sự sửa đổi. Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 8 tội danh.

Những tội này gồm: tham ô tài sản (điều 353); nhận hối lộ (điều 354); vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250); hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); gián điệp (điều 110); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421).

Nhiều đại biểu không đồng tình bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ

ẢNH: GIA HÂN

Sản xuất thuốc giả "không xứng đáng làm người", phải xử lý thích đáng

Cho ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nói rất băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội danh nêu trên, nhất là 4 tội về tham ô, nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả và vận chuyển ma túy.

Theo bà Lan, đây đều là các loại tội phạm có xu hướng ngày càng phức tạp. Bà lo ngại việc bỏ án tử hình sẽ khiến tình hình tội phạm càng thêm nhức nhối.

Bà Lan nói, nếu một bác sĩ học hành "không đến nơi đến chốn", trong ca phẫu thuật nếu xảy ra sai sót có thể dẫn tới hậu quả chết một người. Thế nhưng, với một dược sĩ, khi đã táng tận lương tâm sản xuất thuốc giả thì có thể khiến cả loạt người mất mạng, "không xứng đáng làm người", phải bị xử lý cho thích đáng.

Hay như hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, pháp luật về hàng không đã quy định rõ hành khách mang vật gì thì phải chịu trách nhiệm cho việc đó, "đến lúc lòi ra ma túy lại bảo em không biết" là điều không thể chấp nhận.

Bà Lan cho rằng, theo logic thông thường, nếu tình hình tội phạm giảm thì có thể nghiên cứu việc giảm án; ngược lại, nếu tội phạm ngày càng phức tạp thì sẽ nghiên cứu tăng hình phạt. Vậy đặt trong bối cảnh các loại tội danh đang có chiều hướng phức tạp như đã nêu, việc bỏ hình phạt tử hình liệu có phù hợp?

Việc duy trì mức án nghiêm khắc dù không phải là giải pháp duy nhất để phòng, chống tội phạm, nhưng bà Lan nhận định ít nhiều sẽ mang lại ý nghĩa răn đe, để tội phạm biết sợ, đồng thời cho thấy sự quyết liệt của nhà nước trong việc xử lý hành vi phạm tội.

Nếu cho rằng bỏ án tử hình để bảo đảm tính nhân văn, bà Lan đặt vấn đề ngược lại, vậy với cộng động, với người bị hại thì sao, nhất là các tội danh về vận chuyển ma túy hoặc sản xuất thuốc giả. "Lúc vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt hay không?", bà nói.

Nhiều đại biểu không đồng tình bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) trong một lần nêu ý kiến tại hội trường

ẢNH: GIA HÂN

Tội phạm biết chắc là không chết, liệu có nộp lại tài sản?

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất bỏ án tử hình với một số tội danh.

Điển hình là nhóm tội tham ô và nhận hối lộ, ông Sang đề nghị cân nhắc, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đấu tranh rất mạnh mẽ với hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Theo ông, không chỉ trong lĩnh vực công, tham nhũng hiện đã xâm chiếm cả lĩnh vực tư, gần đây nhất là vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

"Như vụ án Trương Mỹ Lan, tử hình rồi nhưng vẫn khắc phục hậu quả. Vậy nếu người ta biết chắc là không chết, liệu hiệu quả thu hồi tài sản có như chúng ta mong ước hay không?", ông Sang đặt vấn đề.

Hay như tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Sang nói, để hành vi mua bán trái phép chất ma túy thành công thì đồng phạm "quan trọng" nhất là người vận chuyển. Thời gian qua, dù hình phạt cao nhất với tội danh này là tử hình, nhưng số lượng mua bán, vận chuyển ma túy vẫn ngày càng tăng, có những vụ thu giữ hàng tạ, hàng tấn ma túy.

"Nếu bỏ tử hình với loại tội phạm này không khéo Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển ma túy ra nước ngoài", ông Sang lo ngại.

Góp ý thêm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), phân tích về ý nghĩa của hình phạt tử hình. Một trong số này là tác dụng răn đe rất lớn. 

"Tội phạm kể cả chuyên nghiệp nhất, hung hãn nhất, nếu đứng trước án tử hình cũng sẽ phải suy nghĩ, chùn bước, tự lựa chọn hành vi ít gây thiệt hại hơn", ông nói.

Cạnh đó, án tử hình còn có tác dụng giáo dục. Nhiều vụ án cho thấy, người bị tuyên án tử hình đã rất tích cực lập công chuộc tội hoặc khắc phục hậu quả, qua đó có thể được giảm nhẹ hình phạt.

Ông Nghĩa cho rằng, việc giảm số lượng tội danh áp dụng hình phạt tử hình là xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần hội nhập cho phù hợp, song cũng cần duy trì các quy định cần thiết để tương thích với đặc thù của mỗi quốc gia.

Vị đại biểu đề nghị cần có rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nếu bỏ án tử hình thì bỏ với tội danh nào, tác động đến công tác phòng, chống tội phạm ra sao…

Các tin khác

Lý do dự án đường nghìn tỷ ở Hà Tĩnh thi công "nhảy cóc"

Tuyến đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đến cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng kết nối, phát triển khu kinh tế phía nam Hà Tĩnh, song do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”.

Phát hiện 5 bệnh từ triệu chứng ợ chua

Thấy ợ chua liên tục kèm mất ngủ, người đàn ông 65 tuổi đi khám, phát hiện mắc cùng lúc 5 bệnh, trong đó có viêm teo dạ dày, nguy cơ tiến triển thành ung thư.