Thông tin trên do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đưa ra ngày 2-9. Theo đó, mùa hè năm 2024 có nhiệt độ trung bình nóng hơn bình thường 1,76 độ C, là mùa hè nóng nhất kể từ năm 1898 - thời điểm bắt đầu có số liệu thống kê.
Mùa hè nóng thứ hai là vào năm 2010, khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình 1,08 độ C, cho thấy sự gia tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu.
Nhiều "kỷ lục" nhiệt độ bị xô đổ
Nhiệt độ trung bình toàn quốc được tính toán từ dữ liệu thu thập được tại 15 trạm trên khắp Nhật Bản ít bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, chẳng hạn như Choshi ở tỉnh Chiba. Nhiệt độ trung bình được tính toán với dữ liệu năm 1991 - 2020 đóng vai trò là nhiệt độ chuẩn.
Trong số các địa điểm quan sát trên toàn quốc, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận là 41,1 độ C. Ngoài ra có hai địa điểm gần như đạt nhiệt độ tương đương: Sano thuộc tỉnh Tochigi, đạt 41 độ C vào ngày 29-7 và Kuwana thuộc tỉnh Mie, đạt 40,4 độ C vào ngày 9-8.
Miền Tây Nhật Bản, bao gồm tỉnh Osaka, và các đảo Okinawa và Amami, đã trải qua mùa hè nóng nhất kể từ khi khu vực này bắt đầu được thống kê vào năm 1946 - với mức chênh lệch lần lượt là 1,4 độ C và 0,9 độ C, so với mức trung bình 1991 - 2020.
Trong khi đó, miền Đông Nhật Bản, bao gồm các thành phố như Tokyo, chứng kiến nhiệt độ cao hơn mức trung bình 1,7 độ C.
JMA cho biết Hokkaido và khu vực Tohoku đã trải qua một mùa hè nóng hơn trong giai đoạn này, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình 2,3 độ C.
Những ngày cực kỳ nóng, được định nghĩa là những ngày nhiệt độ cao nhất đạt 35 độ C trở lên, đã được ghi nhận tại 5.272 địa điểm vào tháng 8, con số cao nhất trong một tháng kể từ khi các phương pháp tính toán được thay đổi vào năm 2010.
Tính chung trong tháng 7 và tháng 8, số địa điểm trải qua những ngày cực kỳ nóng đã lên tới 8.781, so với 6.685 địa điểm trong cùng kỳ năm 2023, trở thành con số cao nhất.
JMA dự kiến nhiệt độ cao, trái mùa sẽ kéo dài đến cuối tháng 10.
Chi tiêu "nóng" theo thời tiết
Lượng mưa cũng cao đáng kể vào tháng 8, đặc biệt là ở phía Thái Bình Dương của miền Đông Nhật Bản, nơi có lượng mưa cao nhất trong tháng kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1946. Cơ quan này cho biết con số này chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Shanshan, được biết đến ở Nhật Bản là bão số 10, và không khí ẩm.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan quản lý cháy nổ và thảm họa, số người được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương do nghi ngờ say nắng đã lên tới 73.068 người trong khoảng thời gian từ ngày 1-7 đến ngày 25-8. Năm 2023, số trường hợp như vậy trong tháng 7 và tháng 8 cộng lại là 71.384.
Nắng nóng gay gắt cũng đang thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, với việc chi tiêu tăng lên ở một số khu vực khi mọi người cố gắng đối phó với cái nóng.
Một cuộc khảo sát của Teikoku Databank công bố vào ngày 26-8 ước tính rằng chi tiêu ở Tokyo vào mùa hè này đã tăng 3.122 yen (21,39 USD) cho mỗi hộ gia đình.
Trong khi nhu cầu về ngũ cốc và hải sản giảm, chi tiêu cho đồ uống, đồ ngọt và thực phẩm chế biến không cần nấu nướng đã tăng đáng kể, dẫn đến tổng mức tăng 14,9 tỉ yen trong chi tiêu liên quan đến thực phẩm.
Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, chủ yếu là do các dịch vụ liên quan đến phòng ngừa say nắng, đã tăng 5,9 tỉ yen. Chi tiêu cho đồ nội thất và đồ gia dụng, chẳng hạn như máy điều hòa không khí, tăng khoảng 8,4 tỉ yen.
Tsuyoshi Kubota, chuyên gia phân tích tại Teikoku Databank, cho biết ông dự kiến xu hướng tương tự cũng sẽ được quan sát thấy bên ngoài Tokyo và chi tiêu như vậy dự kiến sẽ tiếp tục nếu nhiệt độ cao kéo dài đến mùa thu.