Tuyên bố của FAA ngày 30-8 nêu rõ: "Tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể nối lại hoạt động bay trong khi cuộc điều tra chung về sự cố trong nhiệm vụ Starlink Group 8-6 vẫn tiếp diễn".
Trước đó hai ngày, FAA đã ra thông báo đình chỉ hoạt động đối với tên lửa Falcon 9, do sự cố trong chuyến bay mới nhất đưa vệ tinh Starlink lên quỹ đạo.
Sự cố xảy ra vào sáng sớm 27-8 (theo giờ địa phương). Tên lửa Falcon 9 được phóng từ Trung tâm Không gian Cape Canaveral, Florida (Mỹ) đưa một nhóm 21 vệ tinh internet Starlink vào quỹ đạo tầm thấp.
Buổi phóng thiết lập một kỷ lục mới đối với SpaceX, theo đó tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 được tái sử dụng lần thứ 23. Tầng tên lửa này đã trở về Trái đất và tìm cách hạ cánh xuống một sà lan không người lái neo ngoài khơi bờ biển Florida như thường lệ.
Tuy nhiên, những hình ảnh phát trực tiếp cho thấy trong quá trình hạ cánh, tầng tên lửa này đã va chạm rất mạnh, bốc cháy dữ dội và văng xuống biển.
Tuy việc hạ cánh tên lửa đẩy chỉ là mục tiêu thứ yếu và sự cố trên không gây thiệt hại tính mạng con người hay tài sản công, nhưng khả năng tái sử dụng toàn bộ hệ thống tên lửa là rất quan trọng đối với mô hình kinh doanh của SpaceX.
Sự cố trên đã phá vỡ mạch thành công của SpaceX trong hơn 3 năm qua với hàng trăm vụ phóng - đáp tên lửa đẩy thành công.
Falcon 9 là tên lửa chủ chốt của SpaceX, được Chính phủ Mỹ và ngành công nghiệp tư nhân tin tưởng để đưa vệ tinh và phi hành gia vào quỹ đạo.
Hồi tháng 7 vừa qua, tên lửa này cũng đã bị đình chỉ hoạt động trong khoảng 2 tuần, khi tầng tên lửa thứ hai gặp sự cố và không thể triển khai các vệ tinh Starlink ở độ cao chính xác, khiến các vệ tinh này bị cháy khi rơi trở lại bầu khí quyển của Trái đất.