Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản vừa trải qua tháng 7 nóng nhất từng được ghi nhận. Trước đó, theo số liệu chính thức, nhiệt độ cao và điều kiện khô hạn trong mùa hè năm ngoái đã khiến năng suất lúa sụt giảm tại các vùng trồng chính, góp phần khiến lượng gạo tồn kho giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Cùng với nhu cầu cao hơn, các siêu thị khắp Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì đủ gạo trong những tháng gần đây. Một số nơi phải giới hạn số lượng gạo khách hàng có thể mua. Nhiệt độ cao cũng làm giảm chất lượng gạo, khiến thu nhập nông dân sụt giảm.
Chính quyền Saitama, một trong những tỉnh nóng nhất Nhật Bản, đang thúc đẩy một trong các dự án toàn quốc nhằm phát triển giống lúa chịu được nhiệt độ cao. Tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ nông nghiệp Saitama, các nhà nghiên cứu đã thu thập hạt giống từ nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, canh tác và thụ phấn chéo trong nỗ lực tạo ra các giống lúa chịu nhiệt tốt hơn như "Emihokoro", loại giống đã được trồng thử nghiệm trên 31 cánh đồng trong năm nay. Ông Yoshitaka Funakawa, một nông dân đang tham gia thử nghiệm giống lúa "Emihokoro" tại Saitama, cho rằng thời tiết sẽ tiếp tục nóng hơn nên nếu không có các giống lúa chịu được nhiệt độ cao thì việc trồng lúa sẽ rất khó khăn.
Theo một báo cáo mới của Công ty Nghiên cứu BMI (Anh), nguồn cung hạn chế dự kiến kéo dài trong năm 2025 khi thời tiết nóng bức gây ra rủi ro cho các vụ thu hoạch sắp tới. Chính phủ Nhật Bản đang ngày càng lo ngại biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất gạo trong dài hạn nếu không có biện pháp đối phó. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp công bố hồi tháng 7 cho thấy năng suất lúa nước này trong năm 2100 dự kiến giảm khoảng 20% so với thế kỷ trước. Theo bộ này, việc chuyển sang các giống lúa chịu nhiệt cao là biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với vụ lúa và tình trạng thiếu hụt gạo có thể xảy ra trong tương lai.