Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, Nhật Bản đã nuôi cấy tế bào da người và tạo thành hình dạng khuôn mặt của robot, sau đó kéo khuôn miệng thành dáng vẻ đang cười tươi bằng cách sử dụng công nghệ kết nối tương tự dây chằng.
Ông Shoji Takeuchi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết sáng kiến này tuy khá kỳ lạ, nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến mới trong việc chế tạo nhiều robot giống con người hơn.
“Bằng cách gắn các bộ truyền động và điểm neo, lần đầu tiên con người có thể điều khiển da sống”, ông Takeuchi nói thêm.
Robot mỉm cười được giới thiệu trong một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Cell Reports Physical Science cuối tháng 6.
Đây là thành quả sau một thập kỷ nghiên cứu của ông Takeuchi và phòng thí nghiệm của ông về cách kết hợp tối ưu giữa máy móc sinh học và nhân tạo.
Theo ông Takeuchi, mô sống có nhiều điểm ưu việt hơn kim loại và nhựa, từ hiệu năng của não và cơ đến khả năng tự phục hồi của da.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu thêm nhiều yếu tố khác vào tế bào da nuôi cấy, bao gồm hệ thống tuần hoàn và dây thần kinh.
Qua đó công nghệ mới có thể áp dụng trong việc thử nghiệm mỹ phẩm và thuốc trên da.
Ngoài ra công nghệ trên có thể giúp robot uyển chuyển và linh hoạt hơn. Tuy nhiên giới khoa học vẫn phải đối mặt với các thách thức, vì nhiều người sẽ cảm thấy không quen hay khó chịu về robot biết cười.
Ông Takeuchi thừa nhận công nghệ mới ở phương diện nào đó vẫn còn khá lạ lẫm, thậm chí có phần rùng rợn. Ông cho rằng việc ứng dụng các tế bào sống vào robot để chúng có cùng biểu cảm và hành vi như con người có thể thay đổi tâm lý này.