Từ năm 2021, chính quyền huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã phát hiện tại làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ có điểm khai thác đá trái phép với quy mô lớn.
Điểm khai thác thuộc khu vực rẫy trồng cao su của ông Hồ Viết Thọ (trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Tại hiện trường, có hàng ngàn m2 đất bị san ủi, đào bới để lấy đá cây lừ lòng đất lên chẻ nhỏ thành đá xây dựng. Số đá này được chất thành những đống lớn. Cơ quan chức năng tiến hành xử lý, xác lập sở hữu toàn dân.
Theo ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, cuối tháng 2-2024, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đã tiến hành bán đấu giá số đá trên. Theo quyết định bán đấu giá, số đá tang vật được bán là đá Bazan cục và đá Bazan trụ với tổng khối lượng là 511m3.
Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bảo Hoàng (Khu công nghiệp Trà Đa, TP Pleiku) là đơn vị trúng đấu giá với số tiền 83 triệu đồng, cao hơn 5,3 triệu đồng so với giá khởi điểm.
Theo phản ánh của người dân, sau khi số đá tang vật được bán đấu giá thì số lượng đá có dấu hiệu tăng lên nhiều lần so với khi được đấu giá.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận vô số những trụ đá bazan lớn được lấy lên khỏi lòng đất đang chất thành đống cao, trên diện tích đất rộng hàng ngàn m2. Đối chiếu với những hình ảnh được ghi nhận năm 2021, số đá trên tăng lên rất nhiều.
Theo ông Phan Anh Tuấn, sau khi đấu giá, đơn vị trúng đấu giá đã chở một số đá đi. Tuy nhiên, sau đó UBND xã tiến hành làm đường dân sinh, nên đơn vị này có văn bản xin gia hạn thời gian để chuyển đi.
Về việc số đá tang vật có biểu hiện tăng gấp nhiều lần so với số đá tang vật được bán đấu giá, nghi ngờ bị khai thác thêm, trà trộn với đá tang vật thì ông Phan Anh Tuấn nói có thể do quá trình san gạt, đi lại đã phát sinh.
"Vấn đề này, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu đúng số lượng như cũ thì yêu cầu đơn vị trúng đấu giá đưa ra khỏi hiện trường. Nếu nhiều hơn thì xã cũng sẽ có phương pháp xử lý, nếu số lượng vượt thẩm quyền thì sẽ xin ý kiến cấp trên" - ông Tuấn nói.