Những câu chuyện đầy cảm hứng về các tấm gương khởi nghiệp luôn mang lại cho ta những bài học quý báu để tìm ra giải pháp vươn tới thành công trong cuộc sống và kinh doanh.
Hãy cùng khám phá câu chuyện thú vị về Gymshark, thương hiệu đồ tập gym đã tạo nên một cơn sốt trong giới gymmers ra đời tại Anh, được đồng sáng lập vào năm 2012 bởi chàng sinh viên đại học chỉ mới 19 tuổi, để tự rút ra cho bản thân những điều cần học hỏi.
Nhân viên giao pizza ấp ủ ý tưởng kinh doanh
Ben Francis – nhà sáng lập Gymshark – đã ấp ủ ý tưởng kinh doanh từ khi còn đang làm công việc giao hàng ban đêm cho Pizza Hut với mức thù lao 5 bảng mỗi tiếng, trong khi ban ngày cậu vẫn là một sinh viên trên giảng đường đại học.
Năm 2016, Gymshark là công ty phát triển mạnh mẽ nhất Vương quốc Anh và liên tục gây sốt khi tập trung vào văn hóa tập thể hình và sử dụng những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thể hình để tự thúc đẩy sự phát triển, hướng vào nhóm Millennials và Gen-Z.
Hiện nay, Gymshark có hơn 900 nhân viên, cùng các văn phòng ở Anh, Hồng Kông và Hoa Kỳ, trong khi mạng lưới các trung tâm phân phối còn lớn hơn. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 268 triệu USD và được định giá hơn 1,4 tỷ USD. Nên nhớ rằng Ben Francis - người sáng lập, CEO sở hữu 70% cổ phần, chỉ mới 29 tuổi!
Bài học khi thành lập một công ty hàng tỷ USD
Vậy Ben – người sáng lập Gymshark – đã đưa công ty đi tới thành công nhờ yếu tố nào, và chúng ta có thể rút ra điều gì từ câu chuyện của anh trong việc quản lý một thương hiệu phát triển lớn mạnh chóng vánh?
Yếu tố may mắn
Ben may mắn sinh ra trong một gia đình êm ấm và đầy tình yêu thương, dưới sự chỉ bảo của một người ông đã dạy anh giá trị của làm việc chăm chỉ và sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức. Ben đã tận dụng những kinh nghiệm sống quý giá này và áp dụng vào xây dựng những hoài bão và ước mơ riêng.
Tận dụng điểm mạnh của bản thân đầu tiên
Hãy dành thời gian để xác định điểm mạnh của bản thân và làm những điều mình giỏi nhất. Ben đã dựa vào điểm mạnh của bản thân trước tiên (về thiết kế, sáng tạo, phát triển sản phẩm) và tránh những điểm yếu (về tài chính, vận hành). Làm việc dựa trên điểm mạnh để gặt hái thành công là điều sẽ xây dựng sự tự tin và giúp phát triển bản thân. Và một khi đã có một số thành công, ta có thể bắt đầu khắc phục những điểm yếu.
Đừng vội từ bỏ công việc đang làm trong giai đoạn đầu
Nhiều người đưa ra lời khuyên rằng hãy bỏ công việc hiện tại và dốc toàn lực vào ý định kinh doanh mới nếu muốn thành công. Nhưng Ben khuyên điều ngược lại, hãy tận dụng công việc đang làm để làm nền tảng cho ý tưởng kinh doanh mới. Mức lương ổn định từ công việc đó sẽ cho phép ta mạo hiểm hơn, đồng thời tái đầu tư vào ý tưởng kinh doanh đang thành hình cho đến khi nó thực sự ổn định và sinh lời.
Học cách làm việc với những người giỏi
Hãy tiếp cận những người giỏi, học hỏi, tiếp thu lời khuyên từ họ. Ben đã chủ động tìm kiếm lời khuyên từ các chủ doanh nghiệp mà anh gặp tại phòng tập gym, đồng thời hỏi bất kỳ ai thành công mà anh biết.
Tự nhận thức rõ ràng về bản thân
Ben gợi ý rằng ta nên viết ra tất cả các đặc điểm tốt và xấu của chính mình, để có được góc nhìn khách quan về bản thân. Càng thấy trước và khắc phục những điểm yếu, thì sự tiến bộ sẽ càng lớn. Lấy ví dụ, Ben có nhược điểm là không giỏi trình bày trước đám đông, nhưng anh đã tự xác định được nó và nỗ lực khắc phục hoàn toàn.
Thay đổi chính con người mình
Một khi đã biết rõ bản ngã chính mình, đừng chỉ chấp nhận nó. Hãy xem những yếu tố nào kìm hãm bản thân và khắc phục để tự trở thành phiên bản tốt nhất. Đừng ngại thay đổi bản thân, ta có thể trở thành bất cứ ai – mọi kỹ năng đều có thể học được nhờ quyết tâm và rèn luyện.
Thành công cần sự chăm chỉ
Nhiều người gieo vào đầu óc chúng ta niềm tin rằng thành công có thể đến dễ dàng, nhưng thực tế không phải vậy. Không có thành công nào được tạo nên từ sự lười biếng. Chính Ben cũng chia sẻ rằng anh chưa bao giờ gặp một người thành công mà không làm việc đủ chăm chỉ. Bởi vậy, nếu muốn thành công, hãy bắt tay vào làm việc ngay từ bây giờ.
Những bài học hay nhất không phải lúc nào cũng có trong sách vở
Ben thừa nhận mình chưa bao giờ là một học sinh giỏi ở trường phổ thông cũng như ở đại học. Nhưng thay vào đó, anh đã học được rất nhiều kỹ năng về công nghệ và thiết kế, ví dụ như photoshop, khi làm B-Tech. Kể cả khi chơi game Warcraft, Bens cũng có riêng những bài học kinh nghiệm cho bản thân, như kỹ năng lãnh đạo, xây dựng và làm việc theo nhóm để giành chiến thắng.
Giá trị của sự minh bạch
Một trong những giá trị cốt lõi của Gymshark là minh bạch. Ben đã rất cởi mở về hoạt động kinh doanh và tạo vlog về hành trình của mình thông qua kênh Youtube, trong khi các thương hiệu lớn không làm điều này mà luôn cố giữ bí mật.
Với sự phổ biến ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông, rõ ràng người tiêu dùng muốn biết nhiều hơn về một thương hiệu, về giá trị và cả nền văn hóa đứng sau nó. Điều này giúp xây dựng lòng tin và lòng trung thành của khách hàng, tạo tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp. Gymshark là một ví dụ xuất sắc cho điều đó.
Rõ ràng, Ben Francis có niềm đam mê sâu sắc với Gymshark để phát triển thương hiệu này. Tham vọng của Ben vẫn chưa dừng lại, vì anh còn muốn biến Gymshark trở thành một thương hiệu mang tính biểu tượng của nước Anh. Đó chính là điều tiếp tục thúc đẩy anh nỗ lực hơn.
Cho dù muốn xây dựng một công ty hàng triệu USD hay chỉ đơn giản là muốn ổn định tình hình tài chính hiện tại, những bài học về câu chuyện của Ben đều có giá trị to lớn, đáng để mỗi chúng ta học hỏi và áp dụng.
Theo Medium