Đôi lời chia sẻ đến các tổ chức, đội nhóm, hay cá nhân hoạt động từ thiện. Và đến tất cả những ai quan tâm dõi theo.
Thật ra, không cần phải là 1 tổ chức hoạt động chuyên nghiệp về tài chính, chúng ta luôn có thể minh bạch các hoạt động, nhất là có liên quan đến tiền bạc.
Điều đầu tiên là chúng ta không thẹn với lương tâm của mình, có nghĩa là mình biết, trời biết, đất biết, mình thấy hành động đó của mình vẫn ổn nếu như có 1 cái camera đang nhìn vào. Và vâng, đến 1 lúc nào đó chúng ta sẽ tin rằng luôn có 1 chiếc "camera" như vậy trong vũ trụ.
Điều tiếp theo là chúng ta có trách nhiệm giải trình, để mọi người cùng biết, liên quan đến việc thiện nguyện. Nếu chúng ta gặp 1 số khó khăn có liên quan đến việc giải trình, điều đó có nghĩa là bên trong tâm thức của ta có những vấn đề liên quan đến cái tôi và bản ngã, nên ta cảm thấy mình không cần phải giải trình. Khi ta bắt đầu chuyển hóa cái tôi, ta hiểu rằng càng phụng sự ở cấp độ cao trong 1 tổ chức, trách nhiệm giải trình phải càng cao.
Vậy, cần giải trình như thế nào khi chưa có điều kiện mời kiểm toán?
Ở đây, chúng tôi xin đưa ra ví dụ về 1 trong 2 dự án từ thiện là Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần.
Mỗi tháng Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần đều có báo cáo tài chính công khai và cụ thể trên website cũng như Fanpage.
Quỹ có sao kê không?
Không cần phải đợi đến khi có những điều gần đây gây lùm xùm trên mạng, từ vài năm nay, Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần đã liên tục sao kê và công khai các báo cáo sao kê của mình ở trên mạng một cách định kỳ và đều đặn. Bất cứ ai quan tâm đều có thể xem.
Tôi có thể xem các báo cáo sao kê này của Quỹ ở đâu vậy?
Các báo cáo được giải trình một cách minh bạch hàng tháng qua các bài viết như tại website và trên Fanpage của Quỹ.
Tính pháp lý của các sao kê này như thế nào?
Khi cần gấp luôn có thể sao kê online, tuy nhiên, mọi sao kê online sau đó đều sẽ được cung cấp thêm các sao kê bản in, do chính ngân hàng ACB xuất ra và có con dấu tròn mộc đỏ của ngân hàng xác nhận về tính pháp lý.
Sao kê có bị che không?
Các sao kê không bị che dấu, cắt xén, hay chỉnh sửa 1 chi tiết nào. Như thế, các sao kê này cho thấy tiền vào, tiền ra "dù chỉ 1 đồng" cũng không thể "lọt lưới". Nó sẽ cho thấy: có ai đem tiền từ thiện đi mở tài khoản tiết kiệm hay không, có ai đem tiền từ thiện đi đầu tư cái này cái kia hay không…
Trường hợp có ai nghi ngờ các sao kê này bị photoshop, hay đã qua chỉnh sửa, thì sao?
Thì vẫn có 1 phương án là có thể sắp xếp cùng đại diện của Quỹ đến kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng.
Sao kê chỉ cho thấy tiền vào, tiền ra và thật ra nó không cho thấy khi "tiền ra" thì "ra đâu", tức là tiền đi về đâu?
Chính vì thế nên Quỹ báo cáo minh bạch luôn tất cả các giấy tờ Ủy nhiệm chi cho thấy tiền đi đến số tài khoản nào, của ai, số tài khoản đó có đúng là số tài khoản của người nhận hỗ trợ hay là số tài khoản của ai đó trục lợi.
Và tất nhiên, trường hợp có ai nghi ngờ ủy nhiệm chi này làm giả thì một lần nữa, tương tự như trên, ta có thể kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng và nhờ ngân hàng như 1 "đơn vị trung gian" có đầy đủ uy tín và pháp lý để xác thực tính chính xác của các ủy nhiệm chi này.
Thông tin trên Fanpage về 1 khoảng chi khẩn cấp.
Tiếp theo, nếu ủy nhiệm chi đúng nhưng đối tượng hỗ trợ (đi kèm là số tài khoản) được bên phía Quỹ dựng nên, để "tuồn" tiền ra ngoài thì sao?
Vì thế, hiện nay Quỹ đang public (công khai) luôn đối tượng hỗ trợ là những ai. Trong tất cả các bài viết truyền thông, Quỹ không chọn cách viết "thương hại", "mua nước mắt", mà luôn chọn cách viết văn minh, đầy ánh sáng, cho thấy một cái nhìn thực tiễn nhưng cũng đầy tích cực, vươn lên, của những đối tượng mà Quỹ lựa chọn hỗ trợ. Vì thế, họ cũng sẵn lòng xuất hiện để mang lại niềm tin cho nhiều người.
Chính vì thế, người ta luôn có thể dễ dàng kiểm tra xem số tài khoản đó có đúng là của gia đình người được hỗ trợ hay không?
Tất nhiên, người ta thậm chí còn thấy thông tin số liên lạc điện thoại được công khai trên website, để nếu nghi ngờ có thể gọi điện trực tiếp cho đối tượng nhận hỗ trợ và kiểm tra.
Và nếu nghi ngờ tiếp đây là số điện thoại giả mạo thì thông tin địa chỉ của người nhận hỗ trợ cũng luôn được công khai trong hồ sơ của họ trên website, để các tấm lòng vàng, các mạnh thường quân có thể ghé thăm, hay bất cứ ai nghi ngờ có thể đến tận nơi, gặp các bé, gặp ba mẹ các bé, trò chuyện và hỏi thăm xem có đúng là gia đình đã nhận được số tiền chuyển khoản là như thế, trong khoản thời gian là như thế, từ Quỹ hay không.
Nếu có gia đình nào ngại để thông tin số điện thoại, địa chỉ công khai trên website thì Quỹ không công khai, mà sẽ sắp xếp cho người cần có riêng các thông tin đó để kiểm tra riêng. Thông thường, các gia đình đều đồng ý xuất hiện vì họ là người lương thiện, nói đúng sự thật về gia cảnh của mình, có gì đâu mà sợ!
Quỹ lấy kinh nghiệm từ đâu để làm những điều này khá là chặt chẽ vậy?
Thật ra thì cá nhân tôi cũng đã từng trải qua biến dạng về tiền bạc, tài chính cách đây 10 năm. Và tôi không lấy tiền của ai cả, tuy nhiên tôi đã gặp khó khăn trong trách nhiệm giải trình với cổ đông, nên gây ra 1 số hiểu lầm không đáng có. Mọi việc sau đó có lời đáp và tôi đã được minh oan. Tuy nhiên, đó chính là 1 bài học cần thiết.
Thật biết ơn vì vũ trụ đã thu xếp để quy mô của sự việc quá nhỏ bé, chỉ trong một tổ chức, để chuẩn bị cho những công việc khác của tôi sau này!
Có thêm 1 việc nữa, không liên quan đến từ thiện, mà liên quan đến đầu tư. Khi tôi đầu tư vào 1 công ty, vì quý mến một người và mong muốn người đó cũng nhận được lợi ích từ việc đầu tư này nên tôi đã mời vào góp 50% số vốn trong tổng 100% phần mình góp.
Và người này không có bất cứ thẩm quyền nào với doanh nghiệp cả, vì đó là thỏa thuận giữa người đó và tôi. Tức là nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tôi có được lợi ích thì tôi mới chia sẻ lợi ích của mình cho người đó.
Việc này thật ra cũng bình thường trong việc đầu tư, ví dụ trong 1 số show truyền hình gọi vốn, thật ra những nhà đầu tư xuất hiện trên đó có vai trò đại diện, họ không nhất thiết phải dùng toàn bộ số tiền của mình để đầu tư, có khi họ chỉ cần cam kết 1 tỷ lệ thiểu số trong số vốn họ cam kết trên truyền hình là sẽ đầu tư cho startup, phần còn lại là họ huy động từ network của mình.
Tuy nhiên, việc này xét về lý thì tôi đúng, nhưng xét về tình thì lại sai. Thế nên sau này tôi cũng không làm như thế nữa. Và ở đây, tôi cũng chia sẻ 1 cách rất thẳng thắn, một cách công khai, đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay mà tôi làm như vậy, còn lại các deal đầu tư khác tôi đều tự mình tham gia.
Anh Tạ Minh Tuấn là một doanh nhân nhiều kinh nghiệm trên thương trường.
Chắc là từ đó, 1 số rất ít bạn bắt đầu nói tôi dùng tiền từ thiện để đi đầu tư. Ngay lập tức, tôi cung cấp các sao kê chứng minh. Thật không rõ những bạn từng nói như vậy đã bao giờ chịu vào đọc các sao kê và giải trình tài chính của Quỹ hay chưa, tuy nhiên, các bạn có lý khi nghi ngờ.
Và tất cả những kinh nghiệm đó tạo nên những dự án vận hành minh bạch và thiết thực cho cộng đồng sau này. Đồng thời, cũng phải nói đến công sức của những người đồng đội trực tiếp vận hành quỹ, với tinh thần phụng sự đúng đắn.
Vâng, có rất nhiều người trên cả nước cũng có thể bảo chứng cho sự minh bạch của Quỹ, vì họ đã từng, hoặc đang là nhân sự hoạt động tại Quỹ. Họ hiểu rõ Quỹ minh bạch đến từng nghìn đồng.
Chúng ta hãy hiểu rằng, nếu sai thì sửa, có bài học thì học, ai cũng có quá khứ, và ai cũng còn có tương lai.
Như vậy sắp tới Quỹ có hoạt động gì không? Nếu tôi an tâm và muốn đóng góp, đồng hành cùng Quỹ thì phải làm sao?
Hiện, Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần đang tiếp tục mời bạn tham gia hỗ trợ trực tiếp 1-1 đến các bệnh nhi máu trắng, bệnh hiểm nghèo về máu.
Hàng tháng bạn đóng góp 1 số tiền nhỏ, nhưng đủ để bảo vệ sinh mạng cho cháu bé. Bạn đồng hành cùng bé 6 tháng, 1 năm, hay nhiều hơn thì tùy khả năng. Một điều tuyệt vời là, 100% số tiền gây quỹ đều được trực tiếp giúp đỡ các đối tượng được hỗ trợ.
Bạn biết đấy, ở rất nhiều quỹ kể cả nước ngoài, vì cần nguồn kinh phí duy trì các hoạt động vận hành, chỉ một tỷ lệ % nào đó (miễn là chấp nhận được) số tiền bạn đóng góp mới đến được người khó khăn.
Ví dụ, quỹ sẽ trích ra 30% chi trả lương của nhân sự nghiêm túc làm việc cho quỹ (nếu không làm sao vận hành chuyên nghiệp được), truyền thông, vận hành, và chỉ 70% số tiền bạn đóng góp đến được với đối tượng khó khăn. Tuy vậy, có những quỹ mà tỷ lệ 70% này giảm xuống chỉ còn 50%, thậm chí 30%, 10%, và chúng ta thấy có những biến dạng xuất hiện trong hoạt động từ thiện.