Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 8, tín dụng tăng khoảng 7,4% so với đầu năm. Dòng vốn vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ một số ngành thiết yếu như lúa gạo và các khu vực quan trọng như Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,66% so với đầu năm và tăng 1,13% so với tháng 6.
Người đứng đầu vụ tín dụng chia sẻ tăng trưởng tín dụng tháng 8 có chậm lại và dự kiến tháng 9 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.
Theo ông Tuấn Anh, thời gian qua, với sự chỉ đạo từ NHNN, dòng vốn tín dụng đã được hỗ trợ kịp thời cho những lĩnh vực thiết yếu, tới các doanh nghiệp, người dân. Sau lĩnh vực lúa gạo, sắp tới, NHNN dự kiến tổ chức hội nghị để hỗ trợ lĩnh vực nông sản, cây ăn quả và có thể là lĩnh vực thủy sản. Mặc dù số lượng đề xuất chưa lớn, NHNN chủ động hướng tới các lĩnh vực trọng yếu, để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng và các ngành kinh tế. Ảnh: SBV.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cho biết dự thảo sửa đổi Thông tư 01 và 03 về cơ cấu nợ gần như đã hoàn thành sau khi tiếp nhận tất cả các ý kiến góp ý. Văn bản chính thức sẽ được công bố chính thức trong vài ngày tới.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, với các số liệu thống kê đã công bố, đợt bùng phát lần thứ 4 chưa có nhiều tác động mạnh tới tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 7 (ngoại trừ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ). Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 không quá tích cực.
Riêng trên địa bàn Hà Nội tín dụng đến cuối tháng 8 tăng 8,3% so với đầu năm và tăng 1% so với tháng trước. Con số này thấp hơn mức tăng 1,2% trong riêng tháng 7. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 24/7.
Trong khi đó, tại TP HCM, tín dụng tới đầu tháng 8 tăng 5,8% so với đầu năm và tăng 0,2% so với tháng trước. Trong 2 tháng từ khi giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16, dư nợ tăng 1,1%, trong khi 5 tháng đầu năm lũy kế gần 5%, bình quân mỗi tháng tăng 1%.
Đầu năm, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Tín dụng được dự báo sẽ hồi phục từ tháng 10. Ảnh: B.L |
Vừa qua, theo lời kêu gọi của NHNN, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức giảm 0,5-3% với các dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất một mặt giúp khách hàng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, đồng thời cũng là cách kích cầu tín dụng sau khi Covid-19 được kiểm soát.
NHNN cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) và nhận nhiều đề xuất giải pháp để gỡ khó cho cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú giao các Vụ, Cục NHNN nghiên cứu, hướng dẫn, xử lý các kiến nghị của các tổ chức tín dụng về các vấn đề như: tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu của ngành lúa, gạo, khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, 03/2021/TT-NHNN, tài sản bảo đảm khoản vay cho các khoản vay thu mua lúa, gạo, kéo dài thời hạn vay vốn khi khách hành không trả trả nợ đúng hạn do thực hiện quy định về giãn cách, cách ly y tế trong thời gian có dịch bệnh Covid-19…