Covid-19 tác động lên công việc và cuộc sống của Chuyên gia Nguyễn Phi Vân như tất cả mọi người; song góc nhìn của chị về Covid-19 lại rất khác biệt.
Trong livestream Talkshow Vững tinh thần – chắc công việc do 25 FIT tổ chức và CEO Phạm Hoàng Long làm host, chị Nguyễn Phi Vân đã chia sẻ: với chị, Covid-19 tạo nhiều cơ hội để chị có thể làm những việc giúp gắn kết gia đình, gắn kết hơn startup mà chị đang đầu tư, sáng tạo thêm nhiều phương tiện để gieo mầm tri thức – kỹ năng mềm cho các bạn trẻ.
Sở dĩ chỉ nhìn thấy cơ hội chứ không thấy thách thức, bởi chị luôn có tinh thần lạc quan, do chỉ làm những việc mà chị muốn và làm chị vui, bởi nó xoay quanh mục tiêu – giá trị sống của bản thân chị.
Hiện tại, chị Nguyễn Phi Vân đang đầu tư khoảng 24 công ty, cố vấn cho 10 tổ chức lớn trên thế giới và tham gia 3 đến 4 dự án cộng đồng tại Việt Nam.
Covid-19 tác động đến chị Phi Vân như thế nào?
Thật ra, đối với chị Phi Vân, Covid-19 không đáng ngạc nhiên hay khiến mình thay đổi gì quá lớn. Cách đây 10 năm, chị đã bắt đầu làm việc từ xa, tức sử dụng các công cụ kỹ thuật số và nền tảng công nghệ để quản trị công việc của mình.
Ngày xưa, như các bạn biết, mỗi tháng chị làm việc ở mỗi quốc gia – thành phố khác nhau, chứ không được vào văn phòng gặp gỡ - ăn uống với đồng nghiệp như mọi người. Chị di chuyển liên tục và làm việc bất cứ nơi nào, từ khách sạn đến trên máy bay – đặc biệt, chị thường viết sách trên máy bay, nên rất quen với chuyện làm việc từ xa trong thế giới mới hay thế kỷ mới này. Đây là cách làm việc cho tất cả mọi người.
Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, công việc của mình cũng thay đổi; tức nếu mình là 1 chuyên gia, mình có thể tham gia rất nhiều dự án khác nhau và nó có thể ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Đó là sự tự do mà thế giới digital mang lại cho chúng ta và sự tự do mà chúng ta có thể lựa chọn.
Nếu chúng ta có năng lực và khả năng quản trị bản thân, chúng ta có thể làm việc ở bất kỳ đâu và bất kỳ thời gian nào, dù có bị Covid hay không Covid, dù lock-down hay không lock-down, công việc cũng chạy như thường!
Vậy chị có điều gì cảm thấy bất tiện vì không thể thường xuyên ra ngoài như trước đây?
Điều buồn nhất trong mùa dịch với chị, có lẽ là không được ra ngoài, đi chơi bời – khám phá. Vì thói quen của chị là cứ 1 đến 2 tháng phải đi đến 1 quốc gia nào chưa từng thăm viếng trước đó, tìm hiểu và học những cái mới, tái tạo năng lượng cho bản thân. Tính đến trước Covid-19, chị đã đi được 120 nước. Bucket list của chị là phải đi hết tất cả các quốc gia trên thế giới trước khi ra đi.
Bên cạnh đó, về công việc, trở ngại lớn nhất là các team không có sự sẵn sàng để làm việc linh hoạt. Làm việc linh hoạt là trong hoàn cảnh nào cũng làm được, trong hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua – giải quyết vấn đề. Giải pháp như thường xuyên giữ liên lạc – đối thoại với nhau, thích nghi với mọi phương tiện – hoàn cảnh làm việc, không bị bất cứ trở ngại – trở lực nào. Trở ngại từ các team, là có tư duy và sử dụng đúng tư duy linh hoạt trong việc quản trị công việc của mình hay không?
Thứ hai, khi làm việc ở nhà, nếu không quản trị được bản thân, rất khó để làm việc; vì cái giường 1 bên, đồ ăn đầy trong tủ lạnh… Mình làm việc 1 chút xíu sẽ dễ bị xao nhãng bởi những chuyện của cha mẹ - con cái – gia đình. Chúng ta cũng có thể hay dễ sa đà vào việc coi phim trên Netflix. Việc quản trị bản thân cực kỳ quan trọng nếu muốn làm việc hiệu quả tại nhà.
Thứ ba, chính là tinh thần. Con người có social animal – động vật bầy đàn, chúng ta thích gặp gỡ chào hỏi – ôm hôn – uống bia với nhau, mới có năng lượng để làm việc hiệu quả. Kết nối qua mạng xã hội chắc chắn không bằng trực tiếp. Làm việc ở nhà lâu ngày và không gặp gỡ ai có thể khiến mình xuống tinh thần và có cảm xúc tiêu cực – cảm thấy mình đang bị cách ly khỏi xã hội.
Những sản phẩm mới của chị Nguyễn Phi Vân ra đời trong mùa dịch.
Vậy còn sở thích thì sao? Chị làm như thế nào để xả stress khi những việc yêu thích như ra ngoài du lịch – chơi thể thao không thể thực hiện được trong giai đoạn này?
Chị là người thích đi ra ngoài, đi du lịch, chơi thể thao, tham gia những hoạt động tập thể… Con người phải biết cân bằng bên ngoài và bên trong – tức bên trong tâm hồn và tâm trí của bản thân; nên chị cũng có những sở thích khác như chơi đàn, viết thư pháp… Trong mùa dịch này, những sở thích đó lại phù hợp và phát huy tác dụng, như một cách ‘cứu rỗi’ để mình có thể giải trí – tái tạo năng lượng cho bản thân.
Vì là người tìm thích tìm tòi những cái mới, nên đây là thời gian chị có thể tìm thấy và nghiên cứu kỹ những kỹ năng mới – ví dụ như làm podcast, phát triển cuộc sống kỹ thuật số - digital life.
Trước đây, chị rất muốn mở những khóa dạy về những vấn đề mà không ai dạy cho cộng đồng, nhưng vì quá bận bịu và di chuyển liên tục, nên vẫn chưa thực hiện được. Bây giờ, khi buộc phải ở nhà nhiều – chị nhìn thấy cơ hội có thể thực hiện dự án nói trên và tập trung làm cho thật tốt. Khi mà hết lock-down, mình lại đi ra ngoài, hết cơ hội để làm những việc đó.
Vừa qua, chị đã đưa tất cả những bài viết ở Facebook của mình lên blog để mọi người tham khảo dễ dàng hơn, làm Podcast – dành cho những người không thích đọc, chỉ thích nghe, để phát triển bản thân. Hồi xưa, chị thích đọc sách, bây giờ thích nghe nhiều hơn. Chị nhìn toàn thấy cơ hội như vậy!
Website thì chị đã vận hành được 2 tháng, còn khoá học thì 1 tháng – nhưng số người tham gia học thì ‘hết hồn’ luôn. Mặc dù không chạy quảng cáo gì hết, nhưng 1 bài học về Quản trị bản thân của chị có khoảng gần 20.000 người tham gia học. Trong tháng vừa rồi, nếu tính tổng, thì có khoảng 50.000 người đăng ký các khóa học này.
Chị nghĩ, cái gì mình làm với cái tâm thiện lành và có ý định tốt thì sẽ lan tỏa nhanh, nằm ngoài dự đoán của mình.
Khi gặp chị, lúc nào tôi cũng cảm thấy năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan tỏa ra từ chị, trong giai đoạn Covid-19 này cũng thế. Vậy làm sao chị vẫn luôn giữ được trạng thái tuyệt vời như vậy?
Chị có 1 cách nhìn cuộc sống khác: 1 vấn đề, với nhiều người là khó khăn nhưng chị luôn nhìn nó dưới góc độ cơ hội. Ai trong đời cũng gặp khó khăn – ví dụ như bây giờ, nhưng đây cũng không phải khó khăn lớn nhất trong cuộc đời mình vì trước đó có những lúc mình gặp khó khăn hơn, vẫn có thể vượt qua được.
Trước đây, chị đi khắp nơi và tương đối bận bịu, nên thời gian để trao đổi sâu hơn với các team của mình không có, còn bây giờ, chị có nhiều thời gian hơn để làm điều đó và làm nhiều thứ cùng với nhau.
Covid-19 cũng là cơ hội để chị hiểu con mình nhiều hơn – sâu sắc hơn, thông qua việc tạo ra những cuộc cà phê với nhau, hoặc 2 mẹ con buổi tối lôi nhau ra uống bia. Covid-19 là cơ hội để mình phát triển các mối quan hệ trong gia đình. Covid-19 là cơ hội tốt để làm những việc tốt.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, những công việc như nấu cơm, giặt đồ, lau nhà… cũng mệt, song mình cứ xem như cơ hội tập thể dục, thì sẽ cảm thấy khác.
Rất nhiều đầu sách được chị Nguyễn Phi Vân viết trên máy bay.
Vậy bí quyết nào giúp chị luôn giữ được tư duy tích cực và năng lượng vời, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra?
Bí quyết này chắc phải bắt trả tiền quá (cười)! Bí quyết ở đây là chẳng có bí quyết gì cả. Trong cuộc đời của mình, chị chỉ làm đúng 1 việc rất tốt: tất cả những việc chị làm đều xoay quanh mục tiêu – giá trị sống của bản thân.
Vì chị luôn muốn chia sẻ và gieo những hạt mầm tốt cho mọi người, vậy nên cái gì chị cũng muốn gieo hết, từ kiến thức, tri thức cho đến về kỹ năng – tinh thần. Trên cái lõi đó, chị dùng tư duy khoa học để vẽ mind map, quy ra để làm việc này thì có bao nhiêu cách. Vậy nên chị đã website, pilot hay podcast, đầu tư vào doanh nghiệp để tạo giá trị hay tham gia sự kiện để có thể chia sẻ nhiều hơn cho mọi người…
Khi chị đã vẽ ra như vậy, thì có những cơ hội không bổ trợ cho mục tiêu – giá trị sống của mình, chị sẽ từ chối rất dễ dàng trong 30 giây và cái gì cộng hưởng tạo nên giá trị lớn cho mục tiêu – giá trị sống của mình, cũng nhanh chóng nắm bắt. Vậy nên, chị không bao giờ nghĩ mình đang làm việc, vì lúc nào cũng nghĩ mình đang làm vì đam mê và mong muốn của bản thân, tạo ra giá trị lớn nhất mà bản thân mong muốn.
Khi mình tạo ra giá trị cho xã hội, năng lượng tạo ra sẽ quay lại nuôi dưỡng mục tiêu của mình và năng lượng sẽ tạo ra vòng tuần hoàn. Đặc biệt, năng lượng đó sẽ nhiều lên chứ không mất đi.
Nếu mình phải làm những việc mình không muốn làm hoặc làm những việc mà người khác bắt mình làm, mình bị bắt buộc làm việc để kiếm tiền hoặc làm cái gì đó để làm hài lòng người khác, hoặc làm những thứ xã hội muốn để chứng tỏ bản thân; mình sẽ cảm thấy mệt mỏi, rất khó duy trì năng lượng tích cực từ ngày ngày sang ngày khác.
Ngược lại, nếu mình chỉ làm những việc mình muốn và làm mình vui, thì mình sẽ luôn hạnh phúc. Rất đơn giản!
Vì sao chị lại quyết định miễn phí những khóa học về quản trị bản thân, trong khi nó đủ giá trị để mọi người trả tiền và mang về cho chị một khoảng thu nhập đáng kể?
Chị có 3 lý do. Lý do thứ nhất, chị đã đi làm việc ở nhiều nước trên thế giới và thấy là: người Việt Nam mình và nhất là thế hệ trẻ đang đi sau nhiều nước trên thế giới, do chương trình giáo dục hoặc do văn hóa; mình đang bị bỏ lại phía sau rất xa. Nếu mình đi sau xa như vậy, cách tốt nhất vẫn là học nhanh lên để tiệm cận thế giới.
Trong việc đi sau, còn 1 khó khăn nữa, mình vừa đi sau còn phải trải qua những rào cản giao thời, của rủi ro 4.0 và những bất định như chúng ta thấy; lại càng làm cho khoảng cách đó càng xa hơn. Là 1 người đi trước, chị muốn góp phần giúp các thế hệ trẻ Việt Nam nhanh chóng bắt kịp đà phát triển của thế giới. Chỉ có đầu tư vào nhân lực, Việt Nam mình mới có thể sánh vai với các nước khác sau này. Đây là lý tưởng có thể lớn hơn một chút xíu!
Lý do thứ hai, nó rất cá nhân. Trong cuộc đời đi làm của chị, chị lên rất nhanh và được nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ cũng như cất nhắc trong sự nghiệp; chị rất biết ơn những người đó. Và đây là động lực để chị muốn hỗ trợ thế hệ tiếp nối, trả lại ơn cho cuộc đời, vì nhưng may mắn đã nhận được từ cuộc đời.
Lý do thứ ba, bất cứ giá trị gì mình tạo ra cho xã hội, mình sẽ nhận lại được giá trị lớn hơn. Thành công của một con người không phải là bạn nhận được bao nhiêu tiền từ một ai đó, mà đến từ sự không tính toán. Vì không tính toán, nên nhiều khi thứ mà mình nhận lại có thể gấp hàng ngàn điều mình mong đợi. Có khi mình không nhận lại từ những người đã nhận của mình, mà có thể từ những người liên quan – họ cảm thấy biết ơn vì sự đóng góp của mình.
Vậy nên, chúng ta có thể nghĩ thoáng ra, là mình tạo giá trị gì cho cuộc đời chứ không phải mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền.
Cảm ơn chị!