"Nhiều bạn trẻ thường hỏi tôi rằng, trong công việc, thái độ và trình độ chị đánh giá cái nào cao hơn? Theo quan điểm của tôi, thì cả hai cái đều quan trọng như nhau.
Có rất nhiều cấu phần để tạo nên một con người bình an – hạnh phúc và thành công. Thứ nhất, mình phải có tâm thế, tức tinh thần và thái độ hướng tới sự thành công thì mình mới thành công.
Thứ hai, mình phải có kiến thức về một ngành nghề nào đó hoặc kiến thức nền tổng quát, thì mình mới quản trị và lèo lái được công việc của mình và tham gia vào nhiều dự án cũng như doanh nghiệp khác nhau.
Thứ ba là về kỹ năng, như tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc, tư duy linh hoạt, tư duy hội nhập vào tương lai bất định…
3 thứ trên phải đi cùng nhau, thiếu 1 thứ cũng không được", Chuyên gia Nguyễn Phi Vân bày tỏ trong livestream Talkshow Vững tinh thần – chắc công việc do 25 FIT tổ chức.
Vậy nên, để có một sự nghiệp thành công, đầu tiên, mình phải xây dựng nội lực của bản thân mình trước. Nếu mình không có nội lực thì rất khó để chạm những cơ hội bên ngoài. Nhiều bạn trẻ Việt Nam cứ thích xông xáo ngoài kia, chạy đôn chạy đáo để tìm và nắm bắt cơ hội, nhưng đó chưa phải là phương hướng đúng.
Cơ hội là thứ luôn luôn có ngoài kia, song nó chỉ đến với người có năng lực tiếp nhận chúng. Kiểu như khi mình chơi game, mình ở level 1 thì chỉ thấy cơ hội tương đương mức 1, chứ không thể thấy cơ hội mức 10, nên muốn tiến lên phía trước thì mình phải giết các quái vật và vượt qua các chướng ngại vật.
Muốn có cơ hội thì không phải cứ xông ra ngoài tìm, bởi nếu tìm thấy có khi cũng không giữ được; trước hết phải xây dựng nội lực cho bản thân. Nội lực ngày càng cao, thì mình sẽ nắm lấy được càng nhiều cơ hội bên ngoài và bất cứ những khó khăn gì trong công việc gì đến với mình, mình cũng luôn luôn có cách giải quyết hoặc vận động những nguồn lực khác nhau để giải quyết vấn đề.
"Cái này trong nhà trường không dạy, mà mình phải tự nhận thức và tự học. Các bạn nên nhớ, nội lực của mình tới đâu thì cơ hội tới đó. Ví dụ: tôi tham gia đầu tư và làm co-founder 25 FIT vì các Founder của startup này có nội lực và luôn trăn trở để phát triển nội lực của bản thân.
Để tăng cường nội lực, bạn phải học cách quản trị và phát triển bản thân, để có thể tư duy tìm ra bí mật thành công cho mình, không nên áp dụng công thức của người khác vào bản thân", chị Nguyễn Phi Vân tiết lộ.
Chị Nguyễn Phi Vân tham gia vào 25 FIT bởi nhìn thấy nội lực của giàn Founder.
KẾ HOẠCH VÀ CHIẾN LƯỢC HỌC TẬP TỔNG THỂ
Hiện tại, ngoài kia có 2 trường phái: không chịu học thêm kỹ năng mới và học quá nhiều; cái nào cũng nguy hiểm.
Theo chị Nguyễn Phi Vân, cách học đúng phải như thế này: mình đặt ra những dự án – công việc mà mình phải làm trong tương lai ngắn và dài, xem xét bản thân còn thiếu những kỹ năng nào để làm những dự án – công việc đó, rồi chọn học những thứ có thể ngay lập tức ứng dụng được vào công việc – cuộc sống của mình.
"Chứ học không giải quyết được vấn đề, học phải ứng dụng được – tỷ lệ là 50-50. Học xong ứng dụng, trong lúc ứng dụng thấy cái gì thiếu thì đi học tiếp. Chuyện học và làm là vòng lặp đan xen nhau và diễn ra cả đời.
Tôi có bản đồ phát triển bản thân chứ không học quá nhiều thứ cùng một lúc. Ví dụ: mục tiêu trong 5 năm tới mình sẽ trở thành chuyên gia nhượng quyền quốc tế, thì mình sẽ chia ra 5 chốt chặn – tức mỗi năm 1 chốt chặn, rồi mỗi năm chia thành 4 quý và thêm 3 chốt chặn phụ.
Sau đó, xem mỗi chốt chặn đó mình cần làm cái gì và đi học những cái gì cần thiết để làm công việc đó. Sau khi học và hoàn thành công việc ở chốt thứ 1, mình sẽ bước qua học những thứ mới để hoàn thành công việc ở chốt thứ 2. Học tới đâu thì rèn luyện tới đó. Chứ tôi không có việc bỏ ra một năm để học tất cả các khoá học sau đó không học nữa", chị Phi Vân khẳng định.
Có những thứ ưu tiên cần phải học trước. Đầu tiên là quản trị bản thân, nếu chưa làm được điều này mà đi học các khóa kiến thức cũng có ứng dụng được đâu! Mình phải ngồi xuống, vẽ ra bản đồ học tập, học cái gì trước cái gì sau có thứ tự rõ ràng. Nói chung là cứ từ từ bình tĩnh để học, đừng ép mình học quá nhiều cùng một lúc hoặc những thứ không cần thiết.
HỌC QUẢN TRỊ BẢN THÂN NHƯ THẾ NÀO?
Về sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên
Trong cuộc đời mình có rất nhiều thứ để làm, trong công việc mình cũng có hàng tỷ thứ xếp hàng đợi. Nếu mình cứ chọn đại 1 đến 1.000 việc để làm và không có bất cứ sự sắp xếp khoa học nào hết, mình sẽ không bao giờ làm hết những thứ đang nằm trong đầu mình.
Có những bạn nhắn với chị Phi Vân: chị ơi, có những thứ nằm trong check-list hôm nay em chưa làm xong mà check-list hôm nay đã đến, rồi cuối tháng mọi thứ cứ đổ đống lên đầu em, em ngán quá và không muốn làm gì cả.
"Nguyên tắc 80 – 20 rất đơn giản, mình chọn làm 80% những thứ mang lại tác động lớn – có thể là 80% cho công việc hoặc dự án mình đang làm. Đây là kỹ năng sắp xếp thứ tự ưu tiên, mình có quá nhiều thứ phải làm thì cần phải biết sắp xếp những việc nào cần làm trước, những gì tạo ra tác động lớn nhất thì làm trước.
Nhiều khi tôi nghĩ, 80% những thứ trong check-list của các bạn là không cần làm, nhưng các bạn cứ ngồi rồi bôi ra, nên dễ bị trầm cảm.
20% còn lại là những việc khiến mình vui vẻ - hạnh phúc, giúp phát triển bản thân và công việc. Còn những thứ râu ria khác thì mình cứ để đó, khi nào có thời gian hẳn làm. Sau đó, mình lại hỏi tiếp, 20% trong 80% còn lại là cái gì? Lấy 20% đó ra làm tiếp.
Với nguyên tắc này, mình sẽ không bao giờ chị stress, làm nhiều việc tạo ra giá trị cho xã hội, vui vẻ mà tạo ra nhiều giá trị hơn", Co-founder 25FIT đề nghị.
Check-list quan trọng, nhưng biết sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên còn quan trọng hơn. Ảnh: LeadG2
Ngoài ra, chúng ta làm gì cũng phải rèn luyện, phải ngồi xuống đọc và tư duy xem đâu là việc quan trọng – không quan trọng với công việc và cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không luyện tập điều đó trước, sẽ không làm được bước tiếp theo là sắp xếp khoa học. Phải rèn luyện thì kỹ năng mới trở thành thói quen!
Hiểu đúng về sự đa nhiệm – multi task
Hiện tại, chị Nguyễn Phi Vân đang đầu tư khoảng 24 công ty, cố vấn cho 10 tổ chức lớn trên thế giới và tham gia 3 đến 4 dự án cộng đồng tại Việt Nam. Có nhiều người hỏi: "Làm sao chị Phi Vân có thể hoàn thành từng đó công việc?".
Theo chị Phi Vân, multi task – đa nhiệm không phải là làm nhiều công việc cùng 1 lúc mà làm nhiều việc trong 1 khoảng thời gian. Ví dụ: hôm nay mình có 50 việc phải làm, thì có 20 việc quan trọng nhất để ở trên, 30 việc còn lại để ở dưới. Sau khi sắp xếp ngay ngắn rồi, thì chúng ta tập trung vào làm việc đầu tiên chứ không phải là làm 3 việc cùng 1 lúc; không phải mình vừa đọc email – vừa note – vừa nghe họp là đa nhiệm.
Ví dụ: chúng ta đề ra deadline là mình phải hoàn thành công việc đầu tiên trong 1 giờ, thì sẽ tập trung tâm lực vào chỉ làm một việc đó để hoàn thành đúng dự định thời gian, sau đó mới chuyển sang làm công việc tiếp. Cách tập trung như vậy mới là cách làm việc hiệu quả nhất!
Và nếu chúng ta không hoàn thành đúng deadline, thì phải quay lại hỏi xem vì sao lại thế? Vì ta chưa biết cách quản trị bản thân, thiếu kiến thức hay không biết tận dụng các nguồn lực mà mình đang có?! Thiếu cái gì chúng ta sẽ phải ngồi xuống và học tập cái đó, để nâng cao nội lực bản thân. Những vấn đề chúng ta thấy chỉ là 20% của vấn đề - là phần nổi của tảng băng, phải tự đào sâu với '5 câu hỏi tại sao' thì mới biết thì mới biết gốc rễ của vấn đề, tìm phương hướng giải quyết.
Cách ứng xử với mạng xã hội
"Có bạn hỏi, chị nghĩ gì về quan điểm: khi bạn đi làm, xong việc trong ngày là chiều về lướt TikTok, Facebook, Instagram… ; tức đang kiếm tiền chứ không phải đi làm?
Quan điểm của tôi, thì trên đời không có cái gì xấu chỉ có con người xấu, mạng xã hội cũng vậy, chỉ là mình đừng đắm chìm vào nó một cách vô thức.
Công nghệ có cái hay nhưng cũng có cái dở, như làm cho mình bị xao nhãng, nghiện ngập và tạo ra cảm xúc tiêu cực vì những bình luận trên đó; do mình không quản trị bản thân được. Tôi cũng là người dùng mạng xã hội nhiều và hiệu quả, vì biết lúc nào bật lúc nào tắt. Nên quay về là mình cần phải học cách quản trị bản thân tốt, sau đó cứ cởi mở với thế giới.
Tiếp theo, cái gì bạn cũng có thể tìm hiểu và thử tham gia, sau đó ngẫm xem cái đó mình nên tiếp tục tham gia hay không, có nên dành nhiều thời gian cho nó. Đó là quyết định của bạn, đừng nghe ai hết. Phải tin bản thân mình, đừng tin người ngoài.
Khi mà bạn phát triển đến bản thân đến một mức độ nào đó, bạn có thể kiểm soát được tất cả mọi chuyện. Đó là quan điểm mạnh mẽ của tôi về việc phát triển bản thân", chị Nguyễn Phi Vân nhận định.
Nhứng sở thích đa dạng và phong phú như vẽ tranh - chơi đàn giúp chị Nguyễn Phi Vân có thể duy trì tính sáng tạo liên tục.
HỌC TẬP VỀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN RA SAO?
Cách duy trì tính sáng tạo
Chị Nguyễn Phi Vân có 1 nguyên tắc: tới 4h chiều là không làm việc nữa. Ngày làm việc của chị bắt đầu sớm – khoảng 6h đến 6h30 và kéo dài tới 4h chiều. Sau 4h chiều, chị sẽ làm những việc mà chị muốn như chơi đàn, vẽ tranh, đọc sách, đi ra ngoài ăn tối với bạn bè, giao lưu với các team…Chị xem phim cũng độc đáo, chọn phim mà nước mình đang muốn học ngoại ngữ để xem, vừa coi phim vừa học. Chị giành rất nhiều thời gian để phát triển bản thân một cách tự nhiên.
Theo chị, trong thời đại này, không phải mình có chuyên môn là mình có thể sáng tạo được. Mình muốn sáng tạo thì phải nuôi dưỡng trí sáng tạo của bản thân. Trí sáng tạo đến từ đâu? Nó đến từ những kiến thức khác nhau mà mình thu nạp hằng ngày, mình có thể kết nối chúng lại với nhau. Ví dụ: khi chị viết sách, chị ứng dụng những kiến thức trong âm nhạc, tranh ảnh, lịch sử…. vào bài viết của mình.
Nếu mình ngừng lại không học những cái mới, nếu mình ngừng lại không thu nhận thêm kỹ năng mới và không để đầu mở - để những thứ mới chạm vào đầu mình; thì mình không thể sáng tạo được! Vậy nên, sau 4 giờ là khoảng thời gian tự do để chị muốn làm gì thì làm – kể cả ngắm trời – ngắm mây, nhằm nuôi dưỡng sự sáng tạo của bản thân.
Chuẩn bị những kỹ năng mới cho tương lai
Covid-19 không làm thay đổi thế giới mà nó chỉ giúp thúc đẩy những tiến trình phát triển nhanh hơn mà thôi, ví dụ như sự ứng dụng công nghệ vào kinh tế và đời sống.
Để không bị tương lai đào thải, về cá nhân, mình phải tự học và biến mình thành 1 nhân lực có thể cộng tác được với các loại máy móc công nghệ. Người ta dự đoán, tới 2025, thời gian tham gia lao động của con người chỉ 48% và máy là 52%, tức con người sẽ làm việc ít hơn máy móc và chúng ta phải cộng tác với máy móc mới làm việc được.
Theo 1 nghiên cứu khác: 22% những kỹ năng bạn đang có tiếp tục có ích cho hành trình phía trước, 57% những kỹ năng đang có cần học lại - nâng cấp và 21% kỹ năng còn lại là kỹ năng hoàn toàn mới, như làm sao để quản lý 1 dự án hoàn toàn bằng online, làm sao sử dụng các phần mềm công nghệ mới… Nếu chúng ta không thay đổi – chuyển đổi ngay từ bây giờ, chắc chắn sẽ không thể hội nhập với tương lai phía trước.