VCS:
Vào năm ngoái, CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS) đã thông tin về kế hoạch nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án "Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác" thông qua việc nhận chuyển nhượng Nhà máy Hóa chất Phenikaa.
Bên chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) - công ty mẹ đang nắm 84% vốn điều lệ của Vicostone. Giá trị chuyển nhượng sẽ căn cứ vào giá trị định giá của đơn vị định giá độc lập.
Nhà máy Hóa chất Phenikaa (Phenikaa Chemical) sản xuất nhựa UP – một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho đá nhân tạo của Vicostone và chiếm 40-50% tổng chi phí sản xuất. Với chi phí đầu tư ước tính 50,6 triệu USD, Phenikaa Chemical có hai giai đoạn phát triển với công suất thiết kế hàng năm là 25.000 tấn mỗi giai đoạn.
Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào hoạt động. Theo chia sẻ của ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT của Vicostone, đồng thời la Chủ tịch HĐQT của Phenikaa, dự án đã đi vào khai thác, vận hành ổn định, có lãi. Công suất thực tế có thể đạt được là 24.000 tấn/năm. Sản lượng sản xuất năm 2021 khoảng 18.773 tấn, năm 2022 là 15.600 tấn/năm.
Vicostone đánh giá, dự án này sẽ giúp công ty chủ động về nguồn nguyên vật liệu sản xuất, tăng nguồn thu cho công ty từ hoạt động kinh doanh hoá chất. Gần như toàn bộ chuỗi cung ứng đầu vào sẽ do Vicostone kiểm soát và cung ứng cho các nhà máy khác của tập đoàn ngoài Vicostone.
Tuy nhiên, do vướng mắc pháp lý liên quan đến việc thu hồi đất nên việc chuyển nhượng đã bị hoãn lại cho đến nay.
Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Vietcap cho biết, Vicostone đang đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để hoàn tất việc mua lại vào năm 2024 sớm nhất, theo công bố của ban lãnh đạo.
Đánh giá về triển vọng thị trường nhựa polyester không no (UP) toàn cầu, Vietcap cho rằng trong giai đoạn 2023-2030, thị trường này sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7%. Nhựa UP không chỉ là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất đá nhân tạo mà còn được sử dụng trong các ứng dụng như thân thuyền, bồn tắm và ván lướt sóng, cùng nhiều ứng dụng khác.
Theo Vicostone, quy mô thị trường toàn cầu của nhựa UP là 12,9 tỷ USD vào năm 2023 và sẽ tăng lên 20,9 tỷ USD vào năm 2030 – tương đương với CAGR là 7%. Nhu cầu nhựa UP ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao.
Ban lãnh đạo chia sẻ, Phenikaa Chemical hiện là nhà sản xuất nhựa UP duy nhất ở Việt Nam, với năng lực sản xuất cho giai đoạn 1 là 25.000 tấn/năm, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng cho nhà máy, và hỗ trợ mạnh mẽ cho lợi nhuận của VCS khi nhà máy được chuyển giao cho công ty.
Được biết, đây là kết quả từ công trình "Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh" của tác giả PGS.TS. Hồ Xuân Năng, GS.TSKH. Trần Vĩnh Diệu và các cộng sự thuộc Tập đoàn Phenikaa. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2018 mà Tập đoàn đăng ký và được Bộ KH&CN giao thực hiện, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế số 25362 ngày 29/7/2020.
Mỗi năm, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất hơn 3 triệu m2 đá thạch anh chất lượng cao, Phenikaa cần sử dụng hơn 20.000 tấn nhựa Polyeste không no làm chất kết dính. Trước đây, Phenikaa phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc.
"Chúng tôi tin rằng việc mua lại Phenikaa Chemical sẽ giúp VCS (1) giảm chi phí sản xuất và (2) mang lại nguồn doanh thu mới. Với nhựa UP chiếm 40-50% tổng chi phí sản xuất, việc đưa Phenikaa Chemical về quản lý sẽ giúp Vicostone tự sản xuất chúng với chi phí thấp hơn. Ngoài ra, nhà máy sẽ mang lại doanh thu mới cho Vicostone từ việc bán nhựa UP do nhu cầu cao ở cả Việt Nam và thế giới" - VietCap đánh giá.
Vicostone dự kiến sản xuất các loại nhựa khác trong giai đoạn 2 của Phenikaa Chemical. Theo ban lãnh đạo, ngoài nhựa UP, VCS sẽ sản xuất đa dạng hóa sang các loại nhựa khác như acrylics trong giai đoạn 2 của Phenikaa Chemical. Ban lãnh đạo dự báo nhà máy sẽ mang lại doanh thu 40 triệu USD trong giai đoạn đầu tiên và có tiềm năng tăng gấp đôi sau khi giai đoạn thứ hai đi vào hoạt động. Thông tin chi tiết hơn về giao dịch (bao gồm cả giá trị chuyển nhượng) vẫn chưa được công bố.
Tập đoàn Phenikaa là tập đoàn đa ngành của Việt Nam với hơn 20 công ty con hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp, công nghệ, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vicostone trở thành một trong những công ty con sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Phenikaa vào tháng 8/2014.
Ngoài sản xuất thạch anh nhân tạo, Tập đoàn Phenikaa còn sở hữu hai công ty con khác — Style Stone và Vietnam Stone Work — chịu trách nhiệm chính cho các giai đoạn sau của các dự án sử dụng đá thạch anh (với tư cách là nhà chế tạo, kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế, chẳng hạn như chế tác đá, cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh cho thiết kế, lắp đặt và hoàn thiện dự án cũng như cung cấp các sản phẩm cắt theo kích thước theo yêu cầu.
Vicostone hướng tới trở thành thành viên duy nhất của Tập đoàn Phenikaa chuyên sản xuất đá phiến và nguyên liệu đầu vào. Năm 2019, công ty niêm yết trên sàn của ông Hồ Xuân Năng đã triển khai kế hoạch tái cơ cấu để trở thành nhà sản xuất độc quyền đá phiến và nguyên liệu đầu vào trong Tập đoàn Phenikaa. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc chính thức mua lại 100% cổ phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến Khoáng sản Phenikaa Huế từ Tập đoàn Phenikaa.
Do Phenikaa Huế là một trong số ít nhà máy cristobalite trên thế giới nên việc chuyển nhượng cổphần này đã tạo ra lợi thế đáng kể cho Vicostone trên thị trường khi giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí sản xuất một cách bền vững.
Theo ban lãnh đạo, 80% cristobalite do Phenikaa Huế sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất thạch anh nhân tạo của Vicostone; 20% còn lại được bán cho bên thứ ba - cả trong nước và quốc tế.