Theo Giám đốc điều hành (CEO) Dave Calhoun, tỷ lệ sản xuất hai loại máy bay chủ lực của hãng là 737 MAX và 787 Dreamliner đang “tiến bộ ổn định” sau khi cả hai loại máy bay này đều gặp khó khăn liên quan tới các vấn đề về nhà máy và chuỗi cung ứng, khiến quá trình giao hàng bị chậm trễ liên tục trong vài năm gần đây.
Ông Calhoun nói, quý II/2023, Boeing đã giao 136 máy bay thương mại, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động giao máy bay tăng vọt đã giúp nâng doanh thu của quý này lên 19,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn dự báo của các nhà phân tích là 18,59 tỷ USD.
Tuy nhiên, Boeing vẫn phải chịu lỗ do "chi phí bất thường và các khoản chi tiêu định kỳ theo kế hoạch, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển".
Hoạt động kinh doanh quốc phòng, không gian vũ trụ và an ninh của công ty cũng ghi nhận khoản lỗ 527 triệu USD, do sự chậm trễ trong việc giao hàng tàu vũ trụ Starliner và chi phí tăng bất thường, liên quan đến chương trình máy bay huấn luyện phản lực T-7A.
Theo CEO Calhoun, quý II/2023 là giai đoạn khó khăn của hãng mặc dù nhu cầu có xu hướng tăng. Ông Calhoun chia sẻ vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Nhưng tin tốt là Boeing đang đạt được tiến bộ trong quá trình phục hồi và thúc đẩy sự ổn định trong các nhà máy, cũng như chuỗi cung ứng, để đáp ứng các cam kết với khách hàng.
Liên quan tới mục tiêu và triển vọng cho cả năm 2023, Boeing cho biết đã tăng kế hoạch sản xuất máy bay 787 Dreamliner lên 4 chiếc mỗi tháng và tiếp tục theo đuổi mục tiêu sản xuất 5 chiếc mỗi tháng vào cuối năm nay. Công ty cũng dự kiến sẽ cung cấp tới 80 chiếc máy bay thân rộng vào năm 2023.
Bất chấp báo cáo thua lỗ, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Boeing vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ các đợt giao hàng máy bay thương mại của hãng đang tăng lên. Trong ngày 26/7, cổ phiếu của Boeing đã tăng 3,6%, lên mức trung bình 221,80 USD/cổ phiếu.