Khi thị trường tạo đáy tháng 11/2022, VN-Index rơi về vùng 900 điểm, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục gom mua cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí (PV Drilling) - đơn vị chuyên cung cấp giàn khoan và thầu các dịch vụ liên quan khai thác dầu khí.
Đầu tháng 9/2022, nhóm quỹ tỷ USD Dragon Capital báo cáo trở thành cổ đông lớn của PV Drilling khi mua thêm 3,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 5,3% vốn. Sau đó, trong tháng 10 và 11, các quỹ thành viên của họ tiếp tục gom mã này để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 11,2% vào cuối năm.
Khi đó, hành động tiếp tục mua vào của nhóm quỹ gây khó hiểu cho giới đầu tư bởi kết quả kinh doanh của PV Drilling ảm đạm với 3 quý báo lỗ liên tiếp. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp dịch vụ khoan dầu khí lỗ 201 tỷ đồng. Đồng thời, cùng bối cảnh thị trường chung xấu, giá PVD giảm mạnh từ vùng 23.450 đồng một cổ phiếu giữa tháng 9/2022 và chạm đáy ở vùng 12.000-13.000 đồng giữa tháng 11/2022.
Sau đó, cổ phiếu này phục hồi tốt, hiện giao dịch ở 25.900 đồng một cổ phiếu, hơn gấp đôi vùng đáy, một phần nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại.
Quý IV/2022, công ty dịch vụ dầu khí có lãi với 54 tỷ đồng, chấm dứt 3 quý lỗ liên tiếp. Doanh thu ổn định và biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh, đạt 17,9% so với mức 6-9% của ba quý đầu năm 2022. Quý đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của PVD tiếp tục tăng lên 19,4%, lãi ròng đạt 66 tỷ đồng, trái ngược với mức lỗ 56 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Năm ngoái, tổng doanh thu của PV Drilling đạt 5.599 tỷ đồng, tăng 30% so với 2021; quý I năm nay tiếp tục tăng 7%.
Đà tăng của PVD còn đến từ việc thị trường khai thác dầu toàn cầu khởi sắc trở lại và giá thuê giàn khoan tăng cao.
Báo cáo Công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit cho hay đơn giá cho thuê giàn khoan nửa đầu năm tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2022. Nhu cầu giàn khoan tự nâng của khu vực Trung Đông tăng từ 125 năm 2022 lên 169 giàn năm 2023. Trong khi đó, số lượng các giàn khoan đóng mới khá hạn chế từ năm 2015.
Bên cạnh đó, mặt bằng giá dầu duy trì ổn định ở mức cao, trung bình 70-80 USD một thùng, giúp các chủ mỏ đều đạt kết quả kinh doanh thuận lợi. Nói với VnExpress, ông Đỗ Danh Rạng, Phó tổng giám đốc PV Drilling, cho biết nhờ điều này, nhu cầu thuê/mua giàn khoan trên thế giới gia tăng, đặc biệt khu vực Trung Đông.
Giá cước cho thuê giàn khoan tự nâng của PV Drilling quý I đạt trung bình khoảng 70.000 USD một ngày, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Chứng khoán BIDV. Hiệu suất hoạt động lên đến 99% do tất cả giàn đều có đủ công việc (được phục vụ).
Việc các giàn khoan của PV Drilling luôn được sử dụng hết công suất, theo ông Rạng, là nhờ chiến lược mở rộng ra nước ngoài nhiều năm qua. Đến nay, PV Drilling đã có mặt ở 7 thị trường khoan quốc tế.
Nửa đầu năm, PV Drilling cho biết 4/6 giàn khoan hoạt động tại các thị trường nước ngoài. Như giàn khoan tại Indonesia với hợp đồng 3 năm, tính từ tháng 12/2022; giàn tại Malaysia và Algeria có hợp đồng đến cuối năm; giàn nước sâu khoan tại Brunei có hợp đồng 10 năm, tính từ tháng 1/2022; giàn tự nâng đang phục vụ chiến dịch khoan tại Việt Nam cho tới giữa tháng 9, sau đó di chuyển sang Thái Lan và Malaysia.
"Như vậy, đến quý IV, toàn bộ 6 giàn khoan của PV Drilling sẽ hoạt động ở nước ngoài. Dự kiến nửa cuối 2023 và cả 2024 sẽ là giai đoạn bận rộn với các giàn khoan của công ty", ông Rạng nói.
Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá, vài năm tới, hoạt động khai thác sẽ nhiều hơn và giá thuê giàn duy trì ở mức cao.
Cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng địa chính trị vừa qua nêu bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng, tiếp thêm động lực để các hoạt động E&P (thăm dò và khai thác) được đẩy nhanh.
Tại Việt Nam, nhiều dự án phát triển dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được "bật đèn xanh", có chuyển động đáng kể trong vài tháng qua như Đại Hùng giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng. Bên cạnh đó, dự án phát triển mỏ khí 6,7 tỷ USD lô B – Ô Môn có thể được triển khai từ cuối năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới. Những dự án này sẽ cung cấp khối lượng backlog (đơn hàng tồn đọng) khổng lồ cho các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước, trước hết là cho nhà tổng thầu EPC và các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan như PV Drilling.
Tuy nhiên, PV Drilling có rủi ro lớn liên quan đến khoản vay ngoại tệ, đây cũng là nguyên nhân họ báo lỗ lớn năm 2022.
Nhiều năm nay, PV Drilling duy trì khoản vay nợ 3.700-3.800 tỷ đồng chủ yếu bằng USD để mua sắm các giàn khoan. Riêng khoản vay mua giàn PV Drilling VI là 127 triệu USD, lãi suất libor 3 tháng + 3% mỗi năm.
Với việc Fed tăng lãi suất và đồng USD tăng giá, chi phí lãi vay của PV Drilling 2022 tăng 54% lên 168 tỷ đồng, lỗ từ chênh lệch tỷ giá gấp 6 lần lên 135 tỷ đồng. Đến quý đầu năm nay, doanh nghiệp tốn gần 70 tỷ đồng cho chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá 29 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lần lượt 27 tỷ và 25 tỷ đồng).
Phó tổng giám đốc PV Drilling cho biết hy vọng lãi suất USD sẽ đảo chiều từ cuối quý IV khi áp lực lạm phát giảm bớt. Họ cũng đang làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ giảm chi phí vay trong giai đoạn lãi suất tăng cao.
Ngược lại, áp lực tỷ giá cuối năm có thể nhiều hơn khi nhu cầu ngoại tệ để thanh toán đơn hàng quốc tế vào dịp cuối năm hoặc do tính mùa vụ khi các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước.
Dù vậy, ông Rạng vẫn kỳ vọng tác động về biến động tỷ giá không lớn như năm 2022 như các dự báo gần đây. Ngoài ra, doanh thu khoan phần lớn của PV Drilling nhận được bằng ngoại tệ, đủ nguồn đối ứng.
Năm nay, tổng công ty đặt ra kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước và có lãi 100 tỷ đồng (năm trước lỗ 155 tỷ đồng). Ông Rạng cho biết nửa đầu năm đã vượt kế hoạch lợi nhuận nhưng con số cụ thể sẽ công bố sau khi có báo cáo kiểm toán.