Theo quyết định, nguyên tắc quản lý và trách nhiệm sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có nêu rõ: Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định.
Đồng thời tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án đã được cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng.
UBND TP cũng giải thích về việc thu và nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đây là khoản thu đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật.
Điều này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM vẫn bị lấn chiếm, chiếm dụng rất nhiều trong thời gian qua. Ảnh: ĐT
Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 m. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP quyết định.
Sở GTVT TP có trách nhiệm ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm điểm trông, giữ xe, đỗ xe có thu phí sau khi thống nhất với Công an Thành phố và UBND cấp huyện có liên quan, Sở Tài Nguyên và Môi trường...
Việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện (UBND quận huyện và TP Thủ Đức) ban hành.
Phạm vi sử dụng: Một phần hè phố tại vị trí tiếp giáp với địa điểm mà nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.
UBND các quận huyện, TP Thủ Đức ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ. Ảnh: Đ.T
Tổ chức, cá nhân phải có phương án sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
UBND các quận huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe, điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình, điểm trông, giữ xe có thu phí.
UBND các quận huyện, TP Thủ Đức cũng sẽ tổ chức hướng dẫn thống nhất phạm vi phục vụ kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, các hoạt động trông, giữ xe có thu phí và để xe hai bánh trên hè phố.
Quyết định số 32 này sẽ thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.
Để phục vụ cho việc thu phí tạm thời vỉa hè, lòng đường, tháng 6 năm nay, Sở GTVT TP cũng đã có dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Theo dự thảo đề án, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20.000-100.000 đồng/m 2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 50.000-350.000 đồng/m 2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.