Tài chính

Muốn gỡ điểm nghẽn về vốn cho DN cần rút ngắn độ trễ chính sách, tiếp tục giảm lãi suất,...

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,73% so với đầu năm (đến nay giảm về mức khoảng hơn 4%), tương đương với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều cùng kỳ của các năm còn lại trong giai đoạn 2018-2022.

Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng theo ngành nghề (%, so cùng kỳ) 

  Tăng trưởng tín dụng thấp ở hầu hết các lĩnh vực (trừ xây dựng).

Những nguyên nhân khiến tín dụng ngân hàng tăng thấp

TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến tín dụng ngân hàng tăng thấp.

Đầu tiên, bối cảnh chung rủi ro, thách thức hơn, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả Việt Nam trở nên thận trọng hơn.

Thứ hai là do khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn (do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm (nhất là BĐS) bị giảm.

Thứ ba, do năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp (do thiếu đơn hàng, hoạt động SXKD bị thu hẹp, e ngại tình trạng trì trệ ở một bộ phận công viên chức);

Và cuối cùng, một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang suy giảm như BĐS, công nghiệp, dịch vụ khác và vay tiêu dùng. 

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng của World Bank Việt Nam, cho biết hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Theo ông, vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn. Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay.

"Số liệu thống kê của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy còn khá nhiều dư địa vay vốn nhưng do không có đơn hàng, không mở rộng quy mô sản xuất nên họ không có nhu cầu vay", đại diện World Bank cho biết.

 Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng của World Bank Việt Nam. (Ảnh: BTC).

Riêng với lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là doanh nghiệp và phải đối mặt với ba khó khăn, thách thức chính.

Đầu tiên là vấn đề nợ xấu đang gia tăng. Từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, đây cũng là thách thức lớn nhất mà ngành ngân hàng phải đối diện trong năm 2023. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải đối mặt với việc biên lợi nhuận giảm. Xu hướng giảm lãi suất là rõ nét, kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1-1,2% so với đầu năm theo định hướng chung của Chính phủ và 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm hỗ trợ bên vay, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng giảm tiếp trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm sâu được (vì e ngại người dân dịch chuyển sang đầu tư kênh khác nếu lãi suất tiền gửi giảm sâu), khiến biên lợi nhuận cho vay tiếp tục thu hẹp.

"Thực tế biên lãi cho vay ròng (NIM) của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 3,3% năm 2022 xuống còn 3% hiện nay và có thể còn giảm thêm", báo cáo phân tích của TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Ngoài ra, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các ngân hàng thương mại đặc biệt là với nhóm có sở hữu Nhà nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Tính đến cuối tháng 3/2023, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM có sở hữu Nhà nước là 9,57%, nhóm NHTM cổ phần là 11,58%, dù đã tăng nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các NHTM khu vực (khoảng 12-14%), trong khi đó việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các NHTM đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và 1-2 năm tới.

Làm sao để gỡ điểm nghẽn về vốn cho doanh nghiệp?

Chuyên gia Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của BIDV đã đề xuất 9 nhóm giải pháp hỗ trợ giúp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế cả từ phía cung và phía cầu.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần lưu ý phải rút ngắn độ trễ chính sách, để chính sách tác động nhanh hơn, quyết liệt hơn. Với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Chuyên gia Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Báo đầu tư).

 

Với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội (mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững); nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV và các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại các địa phương...  

Cùng với đó, các bộ ngành địa phương cần đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính,kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai;...

Theo chuyên gia cần chú trọng các động lực tăng trưởng như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công,kích cầu tiêu dùng nội địa,quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và Tp. HCM (hai TP này đóng góp 39% tăng trưởng GDP năm 2019).

Theo đánh giá của Viện ĐT&NC BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713.000 tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Còn nếu tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Cùng với đó, cần phối hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác. Theo đó, cần duy trì chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng khâu thực thi; chính sách tiền tệ chuyển trạng thái từ “chắc chắn” sang “nới lỏng, linh hoạt” cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống.

Nhóm phân tích cũng cho rằng cần gia tăng nguồn lực cho các TCTD để có thể hỗ trợ nền kinh tế bằng cách tiếp tục cho các NHTM Nhà nước giữ lại lợi nhuận hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN (cũng là tăng khả năng huy động vốn trung – dài hạn của DN), giảm bớt áp lực tín dụng trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng; có đề án, chương trình và giải pháp cụ thể về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (từ “cận biên” lên “mới nổi”).

Về phía các doanh nghiệp, cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch (theo đúng kế hoạch, hồ sơ phát hành công cụ nợ hoặc vay vốn) và giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận bán tài sản, nếu cần).

Doanh nghiệp cũng cần chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với TPDN đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024; đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm