Thung lũng Silicon nổi tiếng với những văn phòng làm việc trong mơ, có mọi thứ mà kỹ sư IT cần cho công việc và cuộc sống, cũng như những đặc quyền để họ gắn kết và làm việc nhóm 24/7. Giao tiếp trực tiếp từng là thần chú để cái nôi công nghệ của thế giới tạo ra nguồn cảm hứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hai năm đại dịch đã làm xáo trộn tất cả.
Nhiều công ty công nghệ nhận ra họ không cần tốn quá nhiều tiền để duy trì các hoạt động văn phòng đắt đỏ mà vẫn tạo ra lợi nhuận tốt khi làm việc từ xa. Các kỹ sư cũng lần lượt bỏ lại Thung lũng Silicon, để đến những khu vực vùng ven với chi phí sinh hoạt giá rẻ và tự do làm từ xa cho bất kỳ công ty nào họ yêu thích.
Cuộc cạnh tranh toàn cầu
Sự thay đổi này đã đặt ra một bài toán lớn cho các kỹ sư ở Thung lũng Silicon. Chris Bakke, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Deel, cho biết: "Chúng tôi có thể thuê một kỹ sư ở Mỹ với giá 300.000 USD một năm, hoặc chúng tôi có thể tìm một nhân tài từ bất kỳ đâu có trình độ tương tương với giá 75.000 USD. Nếu không cần đến văn phòng, việc thuê nhân viên IT đắt đỏ ở Mỹ còn đáng giá không?".
Trong bối cảnh làm việc toàn cầu, những nhân sự sáng giá nhất ở Thung lũng Silicon không còn cạnh tranh với nhau nữa. Họ đang phải cạnh tranh với đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Thị trường việc làm địa phương đang dần biến thành thị trường việc làm quốc tế. Toàn cầu hóa đã xâm chiếm công việc trong nhà máy, sau đó tới nhân viên hỗ trợ. Giờ đây, nó tấn công luôn thành trì cuối cùng của ngành IT tại Mỹ: những kỹ sư thuộc hàng ngũ ưu tú.
Từ những gã khổng lồ công nghệ cho đến startup đều bắt đầu tuyển dụng ở quy mô toàn cầu, vượt ra ngoài khu vực họ đang hoạt động. Điều này cho phép công ty tiếp cận được nhiều nhân tài hơn trong khi phải trả mức lương thấp hơn. Theo Salary.com, một kỹ sư phần mềm có 10 năm kinh nghiệm ở khu vực vịnh San Francisco có thu nhập trung bình 199.000 USD, nhưng chỉ kiếm được 185.000 USD nếu ở Chicago và 183.000 USD ở Phoenix. Trong khi đó, một người có kinh nghiệm tương tự và tiếng Anh tốt ở Mỹ Latinh có thể được thuê với giá 91.000 USD. Lương trung bình cho kỹ sư phần mềm cấp cao ở Argentina thậm chí còn rẻ hơn với 60.000 USD.
Hậu quả khôn lường
Mỹ Latinh nổi lên như một thế lực mới, cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Khu vực này có giờ làm việc tương tự Mỹ và thu nhập tương đối thấp. Lương trung bình cho kỹ sư cấp cao ở đây hiện là 91.000 USD, tăng 40% từ mức 65.000 USD cùng kỳ năm ngoái.
Điều này mở ra tiềm năng lớn cho kỹ sư ở các nền kinh tế đang phát triển, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với các quốc gia bản địa. "Các công ty ở Uruguay sẽ làm gì nếu các công ty Mỹ đến và chiêu mộ tất cả kỹ sư ở đây? Làm thế nào để họ có đủ khả năng giữ chân kỹ sư của mình? Liệu thế giới có thể bỏ lỡ một công ty có thể trở thành Google hoặc Amazon tiếp theo nếu nhân tài bị hút hết về một phía?", một chuyên gia nhận định trên Business Insider.
Việc thuê kỹ sư từ khắp nơi trên thế giới có thể sẽ chỉ củng cố thêm vị thế của Thung lũng Silicon. Jim Conti, đại diện quỹ đầu tư Hyde Park Venture Partners, nói: "Thật vui khi thấy mọi người có thể đạt được thu nhập họ mong muốn. Tuy nhiên, những kiểu trả lương này có thể gây hại cho hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. Chúng ta phải có nghĩa vụ xem xét hậu quả một cách nghiêm khắc hơn".
Các chuyên gia cũng lưu ý, về lâu dài, việc thuê lao động ngoài có thể gây nguy hiểm cho Thung lũng Silicon. Thị trường việc làm sẽ không nóng mãi. Nếu suy thoái xảy ra, ai có khả năng bị sa thải cao hơn: lập trình viên lương thấp ở Peru hay kỹ sư lương cao ở Mỹ? Ngành công nghệ đang ngày càng giống ngành công nghiệp xe hơi. Thung lũng Silicon càng theo bước chân toàn cầu hóa, càng có nhiều động lực thúc đẩy chuyển việc làm sang các nước khác. Khi đó, lập trình viên Mỹ có thể đối mặt với viễn cảnh: Kỹ năng của họ không còn hiếm nữa.
(theo Business Insider)