Hàng nhái luôn là vấn đề đau đầu với các nhà thiết kế thời trang cao cấp khắp thế giới. Theo CNN, các thương hiệu xa xỉ từng mất 98 tỷ USD doanh thu vì hàng nhái chỉ trong năm 2017. Họ không chỉ chịu thiệt hại về kinh tế mà còn bị ảnh hưởng tới danh tiếng. Đó là lý do nhiều thương hiệu tìm đến blockchain và tiền số để bảo vệ sản phẩm của mình.
Bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt, tập đoàn Moet Hennessy Louis Vuitton đã phối hợp với Prada và Cartier từ tháng 4/2021 để thành lập Aura Blockchain Consortium (ABC) - nền tảng phi lợi nhuận có mục đích thiết lập "bản sao kỹ thuật số" cho các sản phẩm của họ.
Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ nền tảng cho gần như mọi loại tiền số hiện nay. Nó giống như cuốn sổ cái kỹ thuật số, trong đó tất cả các giao dịch đều được xử lý, xác minh và ghi lại.
Blockchain hoạt động phi tập trung, không được lưu trữ trên một máy tính hay một mạng cố định, mà tồn tại trên nhiều máy tính khắp thế giới, có thể truy cập nhờ Internet. Từng giao dịch được thêm vào blockchain sẽ được đánh dấu thời gian, mã hóa riêng và không thể đảo ngược hay thay đổi. ABC đang ứng dụng công nghệ này để cung cấp mã nhận diện kỹ thuật số độc nhất cho từng sản phẩm, giúp khách hàng xác định món hàng họ mua có phải chính hãng hay không.
"Blockchain là công nghệ phát triển nhanh và thực sự phức tạp. Nhiệm vụ của Aura là đơn giản hóa blockchain cho các thương hiệu cao cấp", Daniela Ott, Tổng thư ký ABC, cho hay.
Hiện đã có hơn 20 thương hiệu dùng phần mềm của ABC, với hơn 17 triệu sản phẩm được đăng ký trên nền tảng. "Đó là những thương hiệu vốn cạnh tranh với nhau, nhưng đang hợp tác về công nghệ để thúc đẩy sự phát triển nhanh và an toàn nhất có thể", Ott nói thêm.
Khả năng truy vết
Công nghệ blockchain giúp tạo ra bản sao kỹ thuật số của sản phẩm thật bằng cách lập một cuốn sổ cái với đầy đủ thông tin như nguồn cung và vật liệu sản xuất, thời gian và địa điểm xuất xưởng, cũng như số lượng hàng được chế tạo.
Tổng thư ký Ott cho rằng điều này sẽ tăng khả năng bảo vệ khách hàng, trong đó sổ cái kỹ thuật số có vai trò như giấy chứng nhận chính hiệu không thể giả mạo, vô hiệu hóa những nỗ lực làm hàng nhái. Bản sao kỹ thuật số có thể được kiểm tra trên website hoặc ứng dụng di động, cải thiện "khả năng truy vết và tăng sự tin tưởng" đối với sản phẩm.
Blockchain cũng có hạn chế, trong đó thông tin chỉ đáng tin cậy nếu người nhập dữ liệu đủ uy tín. Ott cũng cảnh báo blockchain sẽ trở nên vô dụng nếu thương hiệu không duy trì được quan hệ tốt với nhà cung cấp. Sự bền vững cũng là mối lo ngại then chốt với ABC. Họ phải xây dựng blockchain riêng từ con số không và khẳng định nền tảng sử dụng ít năng lượng hơn các blockchain đại chúng.
Xu hướng công nghệ
Nhiều thương hiệu thời trang khác cũng đang sử dụng công cụ dựa trên công nghệ chuỗi khối. Audemars Piguet và Vacheron Constantin đã tham gia nền tảng blockchain mã nguồn mở Arianee, trong khi kho ảnh của Karl Lagerfeld đang được xác thực bằng blockchain đại chúng của Lukso Network.
Tạo ra chứng nhận kỹ thuật số cũng đang trở nên ngày càng quan trọng với các công ty chuyên bán lại sản phẩm cao cấp. Các nền tảng online như Hardly Ever Worn It và Vestiaire Collective cần xác thực nguồn gốc hàng hóa trước khi chào bán, đây vốn là quy trình nhiều bước với các biện pháp kiểm tra ngoài đời thực và kỹ thuật số.
"Hàng nhái đã tồn tại hàng chục năm và liên tục phát triển. AI và blockchain có thể đẩy nhanh quy trình xác thực kỹ thuật số, hỗ trợ nhà giám định. Song song với đó, chúng tôi vẫn cần chuyên gia trực tiếp kiểm tra sản phẩm để xác nhận dữ liệu số", Victoire Chammard, người đứng đầu bộ phận xác thực toàn cầu của Vestiaire Collective, cho hay.
Tổng thư ký Ott nhận định blockchain còn nhiều lợi ích ngoài lĩnh vực thời trang, trong đó ngành nghệ thuật, mỹ phẩm, nước hoa và nội thất cũng có thể hưởng lợi. Sổ cái có thể giữ thông tin về quá trình bảo dưỡng sản phẩm, giúp xác định tốt hơn giá trị của chúng khi bán lại.
(theo CNN)