Tài chính

Xa rời khí đốt Nga, châu Âu "nếm đòn" giá năng lượng

Nga đang triển khai kế hoạch thắt chặt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Moscow đã cắt giảm 60% công suất của đường ống chính đến Đức kể từ tuần trước. Họ nói rằng các lệnh trừng phạt của EU đã gây ra nhiều vấn đề về bảo trì, nhưng lại không tăng cường nguồn cung thông qua các đường ống khác. Nhiều người tin rằng Điện Kremlin đang sử dụng năng lượng để gây sức ép khi căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 50% và việc bổ sung khí đốt trước mùa đông trở nên ngày càng khó khăn. Mười quốc gia EU đã đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng thiếu hụt khí đốt khẩn cấp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết châu lục này nên sẵn sàng cho việc Nga cắt hoàn toàn nguồn khí đốt xuất khẩu trong mùa đông này.

Để bảo toàn an ninh năng lượng, các quốc gia bao gồm Đức, Áo và Hà Lan đang khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, hoặc tăng cường sản xuất nhằm nâng cao sản lượng. Điều này có nguy cơ làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của các chính phủ là giữ cho đèn sáng, bệnh viện mở cửa và các nhà máy hoạt động.

Sự thiếu hụt năng lượng có thể gây ra khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người và một cú sốc suy thoái kinh tế. Điều đó có thể làm lung lay sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với các nỗ lực về khí hậu. Nhưng sự quay trở lại của than đá chỉ là biện pháp tạm thời, một bước đệm để tăng tốc việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Những khó khăn khi sử dụng năng lượng sạch

Châu Âu đã giảm một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, trong khi hầu hết các biện pháp đa dạng hóa nguồn cung đều đã được khai thác. Vì vậy, họ phải tập trung vào các nguồn năng lượng thay thế cho hiệu suất tốt. Để giảm thiểu việc sử dụng than, các nhà máy hạt nhân hiện có nên được duy trì hoạt động càng lâu càng tốt.

Đức gần đây đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi cho ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này. Berlin khẳng định họ buộc phải đóng cửa chúng do các yếu tố kỹ thuật và an toàn. Một số chuyên gia cho biết tuổi thọ của các nhà máy có thể được kéo dài một cách an toàn, nhưng các chính phủ cần ra quyết định kịp thời.

IEA đã đúng khi nói rằng câu trả lời cho tình trạng siết chặt năng lượng và cuộc khủng hoảng khí hậu là giống nhau. Thế giới sẽ tăng cường đầu tư để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Mọi thứ đang đi đúng hướng; 5 năm sau Thỏa thuận Paris 2015, nguồn đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 2% mỗi năm, tốc độ đã tăng lên 12% kể từ năm 2020. Tuy nhiên, điều này phần nào phản ánh chi phí vật liệu cao hơn, trong khi chi tiêu cho năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng lại thấp hơn nhiều so với mức cần thiết.

Những người trong ngành cho biết các dự án năng lượng tái tạo đang bị đình trệ không phải do thiếu vốn mà là do quy trình lập kế hoạch và quản lý rườm rà ở nhiều quốc gia, cũng như các vấn đề kết nối với lưới điện. Bộ máy hành chính cần được sắp xếp hợp lý, họ cần tăng tốc đầu tư vào hiện đại hóa lưới điện và phát triển kho lưu trữ để có thể đối phó với mức năng lượng tái tạo đôi lúc lại "dậm chân tại chỗ".

Các thủ đô của EU đang dần phát triển nhiều kế hoạch để đương đầu với việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt trong tình huống xấu nhất. Các nước cần có sự phối hợp để tránh tranh giành nguồn cung cấp, làm xói mòn sự đoàn kết của châu Âu.

Giá cả tăng cao đã thúc đẩy các doanh nghiệp và hộ gia đình cắt giảm sử dụng năng lượng. Cùng lúc đó, chính phủ phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi khó khăn. Một số chính phủ có thể làm được nhiều hơn thế thông qua các chiến dịch thông tin, giúp người tiêu dùng hiểu cách tiết kiệm điện và giải thích lý do thực sự khiến giá cả lại cao như vậy.

Tham khảo FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm