Khuyến cáo được đưa ra trong báo cáo từ Quỹ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm, công bố ngày 17/5. Trong nhiều năm, các chuyên gia đã lên tiếng về mối nguy hại từ các chất sử dụng trong sản xuất nhựa hiện đại. Những chất này có thể thẩm thấu vào thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, gây bệnh ung thư, vô sinh, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển ở trẻ nhỏ, bệnh thận và tiểu đường type 2.
Quỹ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm (FPF) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ. Tổ chức này chuyên cung cấp thông tin khoa học độc lập và khách quan về các vấn đề liên quan đến an toàn, tác động sức khỏe, tính bền vững của bao bì thực phẩm
Các chuyên gia cho biết, việc nỗ lực sản xuất bao bì nhựa thân thiện hơn với môi trường, như tăng sử dụng vật liệu tái chế, có thể làm vấn đề trầm trọng hơn.
"Thúc đẩy sử dụng vật liệu tái chế cho nhựa và giấy đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào thực phẩm", nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Họ dẫn chứng một số nghiên cứu cho thấy quy trình tái chế nhựa hiện nay làm tăng nồng độ chất độc hại trong vật liệu bao bì. Những chất này có thể thẩm thấu vào thực phẩm trong quá trình bảo quản thông thường hoặc khi làm nóng, như với các suất ăn chế biến sẵn.
Đặc biệt, các sản phẩm làm từ nhựa đen như dụng cụ nhà bếp cũng tiềm ẩn rủi ro cao vì có thể chứa hợp chất nguy hiểm từ rác thải nhựa tái chế trái phép. Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy, 85% thìa trộn, hộp đựng đồ ăn mang về và dụng cụ nhà bếp làm từ nhựa đen tái chế có chứa chất chống cháy, hóa chất liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Các chất hóa học được nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý gồm PFAS (perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl), hay còn gọi là "hóa chất vĩnh cửu". PFAS không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn, liên quan đến nhiều bệnh như ung thư, hen suyễn, vô sinh, béo phì, dị tật bẩm sinh, tiểu đường và rối loạn phổ tự kỷ.
BPA (bisphenol A) và phthalate, hai hợp chất phổ biến trong sản xuất nhựa, cũng nằm trong danh sách đáng lo ngại.

Thực phẩm được đựng trong các loại hộp nhựa dùng một lần. Ảnh: Martha Stewart
Các tác giả báo cáo đặc biệt cảnh báo nguy cơ khi sử dụng các loại thực phẩm siêu chế biến (UPF), thường được đóng gói và bảo quản trong bao bì nhựa thời gian dài. Các sản phẩm như món ăn sẵn, kem, tương cà chua, vốn phổ biến vì tiện lợi, cũng thường được hâm nóng trực tiếp trong bao bì nhựa, làm tăng nguy cơ các hóa chất di chuyển vào thực phẩm.
"UPF thường được đóng gói và bảo quản trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hoặc năm. Một số loại còn được làm nóng trực tiếp trong bao bì nhựa (như các khay nhựa dùng cho lò vi sóng), khiến hóa chất dễ thẩm thấu hơn", báo cáo viết.
Nhóm nghiên cứu lưu ý thêm rằng quá trình sản xuất công nghiệp quy mô lớn cũng khiến thực phẩm tiếp xúc nhiều hơn với vật liệu nhựa.
Tác giả chính, bà Jane Muncke, cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm siêu chế biến, dù tiện lợi và ngon miệng, nhưng lại chứa nhiều hóa chất tổng hợp và vi nhựa từ nhiều nguồn. Bà cảnh báo tác động của ô nhiễm thực phẩm dạng này đến sức khỏe hiện vẫn bị đánh giá thấp và chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Bà kêu gọi chính phủ các nước hành động để hạn chế tiêu thụ UPF, khi các dữ liệu hiện tại đã đủ mạnh.
Anh hiện là nước tiêu thụ UPF cao nhất châu Âu, chiếm 57% khẩu phần ăn trung bình, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ còn cao hơn.
Trong kết luận được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine, các chuyên gia khuyến nghị phát triển các loại vật liệu đóng gói không gây rủi ro tương tự cho sức khỏe người tiêu dùng.
"Chúng ta có thể giảm phơi nhiễm hóa chất bằng cách chuyển dần khỏi các vật liệu dễ giải phóng hóa chất tổng hợp và vi nhựa vào thực phẩm, bao gồm giấy, bìa cứng, nhựa và kim loại phủ sơn", họ nêu rõ.
(Theo Daily Mail)