Doanh nghiệp

Người thành thị Việt Nam ít dùng ôtô điện

Đây là kết quả cuộc nghiên cứu do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện, công bố chiều 14/3.

Nghiên cứu này được khảo sát gần 1.300 người tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ) và 3 tỉnh là Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên.

Theo đó, so với xe 4 bánh, các loại xe 2 bánh chạy bằng điện được người dân chấp nhận sử dụng phổ biến hơn. Cụ thể, mức độ sử dụng xe máy điện là 33%, xe đạp điện là 27% và ôtô điện chỉ mới 2%. Trong khi, tỷ lệ sử dụng xe đạp, xe máy và xe hơi nói chung lần lượt là 9%, 61% và 8%.

Nhóm nghiên cứu lưu ý con số này không đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu phương tiện vì có thể nhiều người - như một gia đình - cùng sử dụng một xe.

Đa số người được hỏi (79%) cho biết bắt đầu dùng các phương tiện điện trong 3 năm trở lại đây. Riêng với ôtô điện, 87% những người có dùng chỉ mới sử dụng dưới một năm trở lại đây, trong khi 9% đã dùng 1-2 năm và 4% đã dùng 2-3 năm.

Sau thời gian sử dụng, đánh giá của người tiêu dùng trên thang điểm 5, tiêu chí hài lòng nhất là bảo vệ môi trường (4,1 điểm). Trong khi mức độ hài lòng, tin tưởng và kinh tế cùng đạt 3,8 điểm; còn mẫu mã, chất lượng chỉ 3,5 điểm.

"Muốn xe điện lan tỏa nhanh, các tiêu chí về độ hài lòng nên trên 4. Bởi nếu người dùng chưa hài lòng cao sẽ ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng tiềm năng", ông Hoàng Trọng, Chuyên gia của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Đại diện nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Về tiềm năng của thị trường xe điện các loại trong tương lai, trong khi khoảng một phần tư người được hỏi muốn tăng tần suất dùng xe đạp điện và xe máy điện thì tỷ lệ với ôtô điện cao gấp 3 lần, đạt 61%. "Thị trường đang có triển vọng lớn. Vấn đề là doanh nghiệp, Chính phủ phối hợp chuyển đổi những con số tiềm năng thành số thực tế", ông Hoàng Trọng bình luận.

Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải. Chương trình này đề ra mục tiêu chuyển đổi sang hoàn toàn dùng xe buýt điện vào 2025, taxi điện năm 2030.

Đến 2040, từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Và năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe điện.

"Ngành giao thông chiếm một phần tư tỷ lệ phát thải của Việt Nam nên ngành này hết sức quan trọng trong việc đạt mục tiêu trung hòa carbon, bên cạnh xây dựng và công nghiệp", ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Đại diện thường trú và Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam, nhận định.

Một trạm sạc ôtô điện ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Ảnh:Anh Minh

Một trạm sạc ôtô điện ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Ảnh: Anh Minh

Dẫu vậy, nghiên cứu trên cũng chỉ ra 3 thách thức cho việc phát triển các loại xe điện dưới góc độ khách hàng là: quen dùng xe động cơ đốt trong (52%); lo thiếu trạm sạc (45%); lo ngại về những vấn đề như tốc độ, trọng tải, quãng đường di chuyển cho mỗi lần sạc (38%). Ngoài ra, 33% thấy mua xe điện tốn kém hơn xe xăng và 21% chưa an tâm về độ an toàn.

Ông Hoàng Trọng lưu ý, nếu ngành xe điện không khắc phục nhược điểm lo lắng của người tiêu dùng về pin/động cơ dễ hỏng, quãng đường di chuyển ngắn mỗi lần sạc, có thể dẫn đến kịch bản các gia đình hoặc cá nhân có hai xe. Trong đó, xe điện dùng để di chuyển gần và xe xăng đi xa. "Điều này nguy cơ làm tăng số lượng xe tham gia lưu thông", ông Trong cảnh báo.

Hiện 5 tiêu chí hàng đầu để người Việt chọn mua xe điện lần lượt là: an toàn sử dụng, tuổi thọ, công nghệ pin, độ bền, quãng đường di chuyển mỗi lần sạc và giá thành.

Trong đó, khảo sát cho hay mức giá phù hợp với số đông để chấp nhận xe ôtô điện là 550-850 triệu đồng. Nếu phương tiện điện có thể đáp ứng tính năng như xe động cơ đốt trong cùng loại, khách hàng sẵn sàng trả thêm trung bình 76,5 triệu đồng với ôtô.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI, người tiêu dùng giờ không chỉ muốn giá rẻ, chất lượng tốt mà còn yêu cầu thân thiện môi trường. Họ ngày càng thông thái, thông minh hơn. "Xe điện là xu hướng thế giới, Việt Nam cũng không đứng ngoài được", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm