Đầu tư chung “người tính không bằng trời tính”
Đây là câu chuyện của một nhà đầu tư có tên là P.V.H (sinh năm 1976) tại TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Hồi cuối năm 2021, anh H cùng một nhóm các nhà đầu tư đã chung tiền mua một lô đất ở khu vực ven Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với giá 25 tỷ đồng.
Với mục tiêu được xác định rất rõ ràng, sau khi mua đất sẽ làm thủ tục để tách riêng từng thửa khác nhau, một phần nhỏ giữ lại để mỗi người xây dựng một ngôi nhà thứ 2 phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần, phần còn lại sẽ bán để thu hồi vốn gốc mà các thành viên tham gia đầu tư bỏ ra ban đầu.
Đây là bài toán được các nhà đầu tư tính toán rất kỹ lưỡng rồi mới quyết định xuống tiền mua lô đất này. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, sau khi hoàn thành thủ tục mua xong lô đất và đang chuẩn bị các thủ tục tiếp theo thì UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý sử dụng đất đai. Vì vậy, mọi suy tính đành phải tạm gác lại chờ động thái mới của thị trường.
Ảnh minh họa
Thời gian cứ thế trôi qua, sang năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu ngấm đòn từ các đợt sốt đất trên diện rộng, kể từ quý III năm 2022, thị trường bắt đầu xuống dốc không phanh.
Trong số những nhà đầu tư góp vốn mua lô đất ven biển nêu trên không phải ai cũng có tài chính vững mạnh, 2 trong số 5 thành viên góp vốn đã phải đi vay ngân hàng.
Anh H là một trong 2 nhà đầu tư phải đi thế chấp quyền sử dụng đất ngôi nhà đang ở để vay ngân hàng, với số vốn góp 5 tỷ đồng, anh này chỉ có 2 tỷ và đi vay thêm 3 tỷ đồng, trong khi một thành viên khác cũng phải đi vay như anh, tuy nhiên họ vay ít hơn.
Còng lưng trả ngân hàng mỗi tháng
Anh H cho biết, thu nhập mỗi tháng của gia đình anh chưa đầy 40 triệu đồng, không đủ trả cho ngân hàng theo tháng nên anh tiếp tục phải vay mượn người thân bạn bè. Nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua gia đình anh phải “còng lưng” trả lãi hàng tháng, trong khi giá đất thì ngày càng “xuống dốc không phanh”.
“Rất nhiều lần tôi đã đề xuất với các thành viên tham gia đầu tư là bán cắt lỗ mảnh đất này đi để giải quyết bài toán tài chính khó khăn, nhưng các thành viên còn lại trừ 2 người phải đi vay ngân hàng không đồng ý bán”, anh này nói.
“Vì họ cho rằng nếu bán thời điểm này sẽ bị thua lỗ, tôi cũng đã đưa ra các phương án khác nhau nhằm giải thoát cho mình khỏi cái vòng kim cô “trả lãi ngân hàng” mỗi tháng nhưng đến nay chưa có kết quả”, anh H chia sẻ.
Theo tính toán với khoản vay 3 tỷ đồng trong vòng 5 năm, mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 83,3 triệu đồng, số tiền lãi tầm 50 – 60 triệu đồng mỗi tháng, mức này tương ứng lãi suất vay tầm 12%/năm đến tầm 14%/năm tùy vào từng ngân hàng khác nhau. Vậy, nếu so với mức thu nhập của vợ chồng anh hiện có thì số tiền đó chỉ đủ trả 1 nửa cho ngân hàng.
Với việc giá bán xuống thấp, cơ hội để anh H cơ cấu lại khoản nợ vay ngân hàng nêu trên là rất khó khăn, trừ khi các thành viên còn lại có tài chính vững mạnh để hỗ trợ thì mới thoát được, nếu không chắc chắn nhà đầu tư này phải hy sinh ngôi nhà đang ở để chờ cơ hội mới từ lô đất đang đầu tư chung kia.
Giới chuyên gia cho rằng, mua chung bất động sản chỉ giải quyết được bài toán trước mắt, nhưng những hệ lụy của nó thì rất ít người tính đến. Vậy nên, đã có nhiều trường hợp góp vốn mua chung xảy ra tình trạng tranh chấp.
Thời kỳ sốt đất diễn ra trên diện rộng, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một trong những địa phương được giới đầu tư chú ý nhất. Nơi đây liên tục xuất hiện các thông tin quy hoạch, một loạt các dự án lớn nhỏ đổ bộ cùng việc xây dựng Kỳ Anh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, các dự án như cao tốc Bắc – Nam đoạn Phía Đông, đặc biệt là Tập đoàn Vingroup sẽ khởi công 4 dự án nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và cảng biển kết hợp logistics, du lịch nghỉ dưỡng tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư hơn 302.500 tỷ đồng. Vì thế, nơi đây trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của giới đầu tư bất động sản cả nước.