Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 43 tuổi (ở tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể do không thể ăn, không thể uống nước.
Các bác sỹ chuẩn đoán, người bệnh đã bị teo toàn bộ dạ dày và thực quản do hóa chất. Và phải phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực. Sau đó, tạo hình đường tiêu hóa bằng hồi đại tràng phải.
Người phụ nữ phải cắt dạ dày vì uống thuốc giảm cân được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BV
Được biết, trước đó bệnh nhân đã mua 2 lọ thuốc giảm cân trên mạng và uống liên tục trong 1 tháng. Loại thuốc này được quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên, giúp người phụ nữ này giảm được 3 cân nhưng cơ thể lại kiệt sức, nôn ra máu.
Chất cấm có trong thuốc giảm cân đáng sợ ra sao?
Những ngày gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa thông tin cảnh báo, xử phạt các loại thuốc giảm cân có chứa chất cấm đang được bán tràn lan trên thị trường.
Chẳng hạn, ngày 18/1, Cục An toàn thực phẩm cho biết, phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS có chứa chất cấm Sibutramine.
Thuốc giảm cân chứa chất cấm bị thu hồi. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 17/1, đại diện Cục này cũng đưa ra khuyến cáo phát hiện thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming TIGI MAX 28 có chứa chất cấm Sibutramine. Sản phẩm này cũng được quảng cảo giúp giảm hấp thu chất béo, giảm mỡ dư thừa trong cơ thể nhanh chóng.
Ngày 13/1, Cục An toàn thực phẩm nhận được 2 Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu 2 sản phẩm Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Ngay lập tức, Cục đã ban hành Quyết định thu hồi 2 sản phẩm vi phạm và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, phía Cục cũng đưa ra khuyến nghị người dân không nên mua, không nền sử dụng. Nếu phát hiện lưu hành trên thị trường cần thông báo cho lực lượng chức năng để xử lý theo pháp luật.
Có thể thấy, càng những ngày gần Tết thì các sản phẩm giảm cân được tung ra thị trường càng lớn. Đồng nghĩa với đó là nhu cầu sử dụng của các chị em không hề kém cạnh. Đáng nói, người tiêu dùng thường bất chấp hệ quả, không tìm hiểu kỹ sản phẩm, bất chấp mua về uống để rồi phải chịu cảnh "sống dở chết dở" trên giường bệnh.
Hợp chất Sibutramine và Phenolphtalein đều vô cùng nguy hiểm cho cơ thể. Ảnh: Cục an toàn thực phẩm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Sibutramine từng được sử dụng là chất giảm béo với cơ chế đơn giản. Chất Sibutramine tham gia quá trình chuyển hóa chất béo để chuyển hóa năng lượng. Hợp chất này khi đi vào cơ thể sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh để mất cảm giác đói nên người sử dụng sẽ không muốn ăn. Về lâu dài, khi cơ thể không được cung cấp chất dinh dưỡng nên sẽ gầy đi
Tuy nhiên, Sibutramine lại làm tê liệt hệ thống thần kinh trung ương ở khu vực dẫn tới phản tác dụng. Điều đó có thể khiến người dùng bị hoang tưởng, bị bệnh tâm thần, tim mạch, cao huyết áp…
Về Phenolphthalein, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, bản thân là hóa chất chỉ thị màu, định phân axit, kiềm nhưng trong ngành dược Phenolphthalein được dùng bổ sung vào sản phẩm có tác dụng giảm béo, phân giải chất béo. Song, các nghiên cứu đều cho thấy sự độc hại của Phenolphthalein, nên cơ quan chức năng đã sớm có lệnh cấm sử dụng.
Chỉ nên giảm 10% cân nặng trong 8 tuần
Giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài. Nếu có nhu cầu giảm cân, các chị em nên điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao để cân nặng từ từ giảm xuống mà không gây tổn hại đến cơ thể một cách đột ngột.
TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo: Người thừa cân chỉ nên giảm 10% cân nặng trong 8 tuần. Bởi khi cân nặng giảm quá nhanh cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Trong chế độ ăn hằng ngày, năng lượng nạp vào phải "tỷ lệ thuận" với năng lượng tiêu hao. Bữa ăn phải bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng gồm: Chất bột đường, đạm, chất béo, nhiều rau, trái cây giàu chất xơ, vitamin...
Giảm cân lành mạnh để bảo vệ sức khoẻ của cơ thể
Còn theo thông tin từ Viện dinh dưỡng Quốc gia, việc giảm năng lượng ăn vào có thể được thực hiện bằng những cách như: Giảm số lượng thực phẩm ăn vào và giảm năng lượng của thực phẩm ăn vào. Chẳng hạn, không nên ăn các thức ăn nhanh (nhiều dầu mỡ, đường), nước ngọt đóng chai (nhiều đường), đồ ăn chiên rán bằng dầu mỡ, uống sữa gầy hoặc giảm chất béo; uống sữa không đường…
Tỷ lệ năng lượng cung cấp từ các nhóm chất cung cấp năng lượng nên ở mức Protein (14%), Lipid (20 %), Glucid (66%) đối với người trưởng thành; tương ứng với năng lượng cung cấp từ đạm nên ở mức 14%, từ các loại chất béo nên ở mức 20% và từ các chất đường bột nên là 66%.
Tổng hợp