Công nghệ

Người dùng than phiền vì Messenger mã hóa đầu cuối

Sau đó, Kim Anh, nhân viên truyền thông ở Hà Nội, nhận ra một số cửa sổ chat trên Facebook phiên bản web xuất hiện thông báo "tin nhắn đang hiển thị thiếu" hoặc "tin nhắn mã hóa đầu cuối". Cô được yêu cầu đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị bằng cách nhập mã được tạo trên ứng dụng Messenger của điện thoại.

Đã nghe nói về tầm quan trọng của việc bảo mật tin nhắn, nhưng thói quen sử dụng trong nhiều năm cùng tình trạng hoạt động chưa ổn định trên Messenger khiến cô cảm thấy phiền hơn là an toàn.

"Nhiều lúc đang dở việc lại phải đồng bộ tin nhắn lên máy tính để xử lý tiếp. Vô cùng bất tiện", Kim Anh nói.

Một người đang nhập mã PIN để đồng bộ lịch sử chat trên Messenger. Ảnh: Lưu Quý

Một người đang nhập mã PIN để đồng bộ lịch sử chat trên Messenger. Ảnh: Lưu Quý

Trong khi đó, Thế Khanh, chuyên bán hàng online ở TP HCM, cho biết tài khoản Messenger của anh được cập nhật mới từ tháng 4. Tuy nhiên, điều anh khó chịu là tính năng tìm kiếm trong cuộc trò chuyện không còn. Với các đoạn chat mã hóa, anh không thể gõ từ khóa để tìm lại tin nhắn cũ, chỉ còn cách kiên nhẫn vuốt ngược lên để dò thủ công.

Ngoài rắc rối khi đồng bộ tin nhắn, một số người dùng phản ánh không thể xem toàn bộ ảnh, video và tệp tin như trước, hoặc không thể tìm kiếm tên bạn bè trên Messenger nếu cả hai cùng mã hóa đầu cuối.

Ngoài ra, cơ chế bảo vệ cũng gây khó hiểu. "Đôi lúc Messenger trên máy tính yêu cầu code để đồng bộ, lúc khác lại thấy vẫn hiển thị tin nhắn đầy đủ, không cần nhập gì", Thế Khanh nói.

Giao diện tin nhắn bình thường (trái) và tin nhắn mã hóa hai đầu (phải) với một số tính năng khác nhau.

Giao diện tin nhắn bình thường (trái) và tin nhắn mã hóa hai đầu (phải) với một số tính năng khác nhau.

Mã hóa đầu cuối được Meta triển khai cho Messenger từ cuối năm ngoái. Công ty cho biết nhờ thiết lập mã PIN, tin nhắn và cuộc gọi mã hóa sẽ "được bảo vệ từ lúc rời khỏi thiết bị của bạn cho đến khi tới thiết bị của người nhận", giúp nội dung không thể bị người khác đọc, kể cả nhân viên Meta. Công dụng khác của tính năng này là "tin nhắn bí mật", tức đoạn chat ở thiết bị nào sẽ hiển thị duy nhất trên đó. Để đồng bộ giữa các thiết bị, người dùng cần nhập mã PIN.

Dù giúp liên lạc an toàn hơn, cách triển khai của Messenger khiến nhiều người thấy phiền toái. Ông Đặng Hữu Trí, chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông mạng xã hội, cho biết những rắc rối trên có thể do số lượng người dùng lên đến hàng tỷ khiến quá trình triển khai phải diễn ra dần dần, kéo dài nhiều tháng, dẫn đến việc có những trải nghiệm không đồng nhất.

"Người dùng không cần thay đổi gì. Có thể sẽ mất một thời gian để việc nâng cấp hoàn thành, đồng thời nhà phát triển cũng sẽ nhận ra vấn đề và điều chỉnh", ông Trí nhận định.

Meta khuyến nghị người dùng đăng nhập Messenger từ các trình duyệt được hỗ trợ như Chrome, Safari, Firefox, Edge và cập nhật phiên bản mới nhất. Khi truy cập Messenger trên thiết bị mới, cần khôi phục lịch sử trò chuyện của mình để xem tin nhắn trước đó. "Nếu bỏ lỡ thông báo khôi phục lịch sử trò chuyện, có thể vào phần Cài đặt của thiết bị để bật chế độ bộ nhớ an toàn. Sau đó, họ có thể xác nhận tài khoản Google Drive, iCloud Drive hoặc nhập mã PIN gồm 6 chữ số", đại diện Meta nói.

Để tắt mã hóa đầu cuối của Messenger, trên ứng dụng, người dùng có thể vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Mã hóa đầu cuối > Bộ nhớ an toàn > Tắt bộ nhớ an toàn hoặc Xóa và tắt bộ nhớ an toàn.

Tuy nhiên, chuyên gia bảo mật khuyến cáo chỉ nên tắt trong lúc chờ tính năng được triển khai rộng rãi và hoàn thiện hơn. Về lâu dài, đây là một bổ sung quan trọng và cần có, giúp cuộc trò chuyện của người dùng không bị đọc trộm.

Mã hóa đầu cuối (E2EE) là phương thức bảo vệ thông tin trong quá trình truyền đi bằng cách chuyển đổi chúng thành một bản mã, để chỉ người có mã mở khóa mới có thể giải mã và đọc được. Trong lĩnh vực tin nhắn, nhiều nền tảng đã hỗ trợ E2EE và đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam như Signal, WhatsApp, Telegram, iMessage.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm