Tại họp báo ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc rà soát những tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều sim. Cụ thể, người đăng ký từ 10 sim trở lên sẽ bị kiểm tra, nhằm bảo đảm tất cả thuê bao dùng sim chính chủ, đúng với mục đích sử dụng.
Đây là bước tiếp theo của Bộ trong việc loại bỏ tình trạng sim rác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ đã hoàn tất giai đoạn chuẩn hóa thông tin đăng ký thuê bao và đang bắt đầu giai đoạn mới là xác minh thông tin người dùng.
"Trong giai đoạn này, Bộ sẽ có biện pháp nhằm đảm bảo số sim ứng với thông tin đăng ký được sử dụng bởi chính chủ", ông Lâm nói.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6. Chiến dịch tập trung vào việc xử lý việc lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim, tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim để lưu thông ra thị trường nhưng không chuyển quyền sử dụng.
Tính đến cuối 2022, Việt Nam có 127 triệu thuê bao hoạt động, bao gồm cả sim rác, thường được dùng trong các hoạt động như gọi điện, nhắn tin quảng cáo hay lừa đảo. Vấn nạn này vẫn tồn tại do nhiều nhóm sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sẵn sim và bán ra thị trường; mua sim đã đăng ký bằng thông tin của người khác nhưng không cập nhật lại khi chuyển quyền sử dụng theo quy định. Ngoài ra còn có tình trạng giả mạo, sửa đổi giấy tờ tùy thân để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sim số lượng lớn nhưng không chứng minh được mục đích sử dụng.
Bộ cũng đề nghị người dùng chủ động kiểm tra dữ liệu thuê bao và cập nhật nếu cần, không mua sim chứa tên của tổ chức, cá nhân khác để tránh rủi ro pháp lý khi sử dụng sim không chính chủ.
Công bố Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số báo chí
Cũng tại họp báo ngày 5/6, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí với năm trụ cột: Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số. Theo Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc, Bộ chỉ số giúp cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp cơ quan báo chí đổi mới, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây cũng là căn cứ để đánh giá báo chí đang chuyển đổi số thế nào, còn vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì. Dữ liệu thu thập từ các đơn vị sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về chuyển đổi số của ngành, để từ đó có hành động thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời. Cơ quan báo chí sau khi được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Việc công bố xếp hạng sẽ được thực hiện hàng năm. Bộ cũng thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Đây sẽ là đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn cơ quan báo chí, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để đạt mục tiêu chuyển đổi số. |