Ngày 6-6, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng có ý kiến đề nghị Trung ương xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch COVID-19 để giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia và việc làm đối với địa phương để có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cho người lao động.
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (đoàn Hà Giang). Ảnh: Phạm Thắng
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021, chúng ta đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19; đã chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19 là 30,8 ngàn tỉ đồng. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỉ đồng.
"Hiện nay, chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Thường vụ Quốc hội là sẽ chi khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo Bộ trưởng Tài chính, như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỉ đồng. Bảo hiểm xã hội cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn khó khăn thì bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay trước hết, thời gian vừa qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 thì tình hình gia tăng nhiều hơn, nhất là năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng sẽ phải tìm ra nguyên nhân và các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo chất vấn của đại biểu Tráng A Dương là về quan điểm của Bộ trưởng có đồng ý thành lập quỹ này không?
"Tôi cho rằng nếu thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động là một trong những giải pháp. Để giảm và tiến tới không có chuyện rút bảo hiểm một lần thì đòi hỏi rất nhiều các giải pháp liên quan, đặc biệt là việc tạo công ăn việc làm, thu nhập đời sống phải tốt lên" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, phải điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Còn việc thành lập quỹ nếu có thì cũng là một căn cứ.
"Chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này, bởi vì báo cáo các đại biểu là việc thành lập một quỹ nào đó, nhất là quỹ liên quan đến vấn đề lớn thế này thì phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí là phải báo cáo Quốc hội cho phép" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.