Từ sự cố bầu Kiên...
Trần Hùng Huy sinh ngày 4/12/1978, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - một đại gia ngân hàng kì cựu và là một trong những người sáng lập Ngân hàng ACB. Mẹ ông Huy là bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB.
Ông Hùng Huy tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002. Đến năm 2011, ông bảo vệ xong luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).
Tối 4/6, trong gala kỷ niệm 30 năm thành lập ACB, ông Trần Hùng Huy tiếp tục gây sốt khi kết hợp đàn, hát và nhảy “cực bốc” trên sân khấu. |
Hiện tại, ông Trần Hùng Huy đang nắm giữ 115.730.000 cổ phiếu ACB, trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng. Bà Đặng Thu Thủy đang sở hữu 40.340.000 cổ phiếu ACB, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy là thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB. Trong số các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy cũng là người đầu tiên kế nghiệp cha mình để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ACB. Thế nhưng, chuyện kế nghiệp của ông Huy không giống kiểu cha truyền con nối.
Tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, ông Huy tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không nói với cha hay mẹ. Chỉ đến khi trúng tuyển, vào ACB làm thì ông Huy mới thông báo với gia đình. Làm ở ACB 3 năm, ông Huy quay trở lại Mỹ theo học tiến sĩ vì lúc đó vẫn là nhân viên cấp thấp, chưa có áp lực nhiều nên thích học thêm.
Giai đoạn 2010, ACB là một ngân hàng niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông và là ngân hàng cổ phần số một Việt Nam. ACB lúc đó có hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính cả trong nước và nước ngoài, vậy nên ít ai nghĩ con của người sáng lập sẽ làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Nhưng vào năm 2012, khi ACB xảy ra biến cố bầu Kiên, ghế chủ tịch của ngân hàng này bị bỏ trống và dường như không có ai muốn nhận. Thời điểm đó, nhiều thành viên Hội đồng quản trị ACB phải từ nhiệm, một vị thành viên hội đồng quản trị độc lập khi được đề nghị trở thành tân chủ tịch đã từ chối.
Trong bối cảnh đó, Trần Hùng Huy - con trai cả của nhà sáng lập Trần Mộng Hùng - đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc ACB, 34 tuổi, được đưa lên vị trí cao nhất. Sau này, ông Huy tâm sự là “làm chủ tịch mà chưa được chuẩn bị gì cả”.
Khi ông Huy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, rất nhiều người nghĩ đó là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào “ghế nóng”. Thế nhưng, sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đông năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi ghế chủ tịch hội đồng quản trị. Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên hội đồng quản trị tiếp tục chọn ông Huy.
Thực tế, kết quả kinh doanh của ACB dưới thời ông Huy lãnh đạo, qua từng năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất luôn tăng mạnh. Cụ thể, năm 2017, ACB đạt 2.656 tỷ đồng, sang năm 2018 lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng tới 140%, đạt 6.389 tỷ đồng.
Đến năm 2018, mức tăng lợi nhuận là 17,6%, đạt 7.516 tỷ đồng. Năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận đạt 27% lên mức 9.596 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng khi đạt con số 11.998 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, năm 2022, ACB đạt kỷ lục lợi nhuận trước thuế hợp nhất với 17.114 tỷ đồng, tăng gần 43% nhờ không còn phải dành phần nhiều lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Ngoài ACB, ông Trần Hùng Huy cũng có vai trò chủ chốt tại một loạt doanh nghiệp khác như Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ACB (ACBA), Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL), Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen, Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn, Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh…
... tới một chủ tịch rất khác
Khi ông Trần Mộng Hùng soạn đề án thành lập Ngân hàng ACB trong nhà của mình cùng một số bạn bè, Trần Hùng Huy mới 14 tuổi. Ông Mộng Hùng với tư cách là nhà sáng lập, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB từ đầu cho tới khi lui về vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Dưới thời của ông Hùng, ACB từ một ngân hàng cổ phần nhỏ bé đã vươn lên trở thành ngân hàng cổ phần số một Việt Nam. Thế nhưng, bản thân ông Hùng với tư cách là người đứng đầu ACB là một người hướng nội, rất ít khi xuất hiện trước công chúng với tư cách chủ tịch ngân hàng.
Nhưng người con trai - ông Trần Hùng Huy, lại tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng này kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012, với một ACB trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất “4.0”.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy được đánh giá là vị chủ tịch ngân hàng đặc biệt, là chủ tịch ngân hàng duy nhất tại Việt Nam công khai tài khoản facebook. Trên trang cá nhân của mình, Chủ tịch ACB thường xuyên đăng ảnh rèn luyện thể thao. Ngoài tập gym, Trần Hùng Huy còn tham gia nhiều môn thể thao vận động khác như đạp xe, chèo thuyền... Trong văn hoá ngân hàng của mình, ông cũng khuyến khích nhân viên và cấp dưới phải biết rèn luyện sức khoẻ.
Tuy nhiên, bước ngoặt về mức độ ảnh hưởng trên facebook của ông Huy có lẽ bắt đầu từ thời điểm clip hát và nhảy của ông Huy với đồng nghiệp tại ACB trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập bị lọt ra ngoài. Đó là một bản mashup với một loạt hit như “Ngày mai em đi”, “Sau tất cả”, “Uptown Funk”, “Attention”… cùng phong cách trẻ trung, năng động và hoàn toàn không giống vẻ nghiêm nghị như mọi người vẫn nghĩ của một chủ tịch ngân hàng. Cũng kể từ thời điểm đó, ông Huy xuất hiện trước công chúng và lên facebook nhiều hơn trước.
Tối 4/6 vừa qua, trong gala kỷ niệm 30 năm thành lập ACB, ông Trần Hùng Huy tiếp tục gây sốt khi kết hợp đàn, hát và nhảy “cực bốc” trên sân khấu với ca khúc “Always Remember Us This Way” và “Cô đơn trên sofa” nổi đình nổi đám thời gian qua.
Ông Huy cho biết, phần biểu diễn này như một lời cảm ơn tới những người sáng lập, những banker đã luôn tin tưởng vào ACB trong suốt 30 năm qua, giống như trong bài hát có câu “You found the light in me that I couldn't find” (tạm dịch: Bạn tìm thấy ánh sáng trong tôi cả khi tôi chẳng thể). Đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội vì sự gần gũi của một chủ tịch ngân hàng.