“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này”. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV.VN với ĐBQH Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.
PV: Thưa ông, tình trạng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục luân phiên cắt điện trên cả nước khiến người dân bức xúc cho rằng, việc điều hành, quản lý của EVN yếu và do cơ chế độc quyền gây ra, ý kiến của ông về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt của người dân xuất hiện nhiều nơi trong cả nước, các nhà máy sản xuất điện ở miền Bắc phải giảm sản xuất điện, do EVN cắt điện 50%.
Đặc biệt, việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân là rất đáng trách. Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành.
Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng. Nếu thiếu đường truyền tải, tại sao lại không cho các DN khác (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đầu tư thêm 1 đường dây 500 kV thứ 2? Trong 10 năm qua, giá điện tăng đến 8 - 9 lần, cụ thể từ năm 2011 đến nay, giá điện đã tăng khoảng 30%, từ mức giá 1.304 đồng lên 1.920,3732 đồng. Còn từ 1/3/2009 đến nay, giá điện bình quân của EVN đã nhiều lần điều chỉnh, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng gần 100% - ngang bằng mức tăng lương cơ sở của cán bộ, công nhân viên.
Từ năm 2009 đến nay giá điện đã tăng khoảng 100%, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh.
ĐBQH Lê Thanh Vân
EVN hiện nay đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu và các nhà máy điện khác ở Tuyên Quang, Trị An, Ialy, Sê San…Về cơ bản, đến nay các nhà máy điện này đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi nên nói lỗ là điều khó có thể chấp nhận. Nhiều ý kiến từ người dân cho rằng, việc cắt giảm điện trong lúc nắng nóng là có chủ ý của EVN nhằm gây sức ép để tăng giá điện.
Hiện nay, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, 3/7 nhà máy điện than không chạy hết công suất do yếu tố kỹ thuật (nước lò bị nóng). Các nhà máy điện do EVN quản lý đóng góp vào tổng công suất của điện năng toàn quốc khoảng 11%, còn 12% là do EVN cổ phần hóa với các DN khác. Số điện còn lại là mua, bán điện với các tổ chức kinh tế bên ngoài, trong đó đáng kể nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Than khoáng sản. Trong cơ cấu điện năng, điện than vẫn đang chiếm 32%.
Đối với điện năng lượng tái tạo, vừa rồi họp Tổ Đại biểu Quốc hội thảo luận về KT-XH, nhiều ĐBQH cho rằng, một đất nước có thể gọi là cường quốc về điện gió và điện mặt trời, nhưng đến bây giờ tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện chỉ chiếm khoảng 26%. Tôi không hiểu ngành điện bao nhiêu năm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đầu tư cho khai thác và có cả những chiến lược phát triển như thế; Với những “tài năng trẻ” thăng tiến như trên trời rơi xuống, mà bây giờ EVN luôn báo lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và điện cung ứng cho sản xuất, quản lý, tiêu dùng vẫn luôn ở trạng thái bấp bênh.
Vậy ý nghĩa là một Tập đoàn kinh tế của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của ngành điện như thế nào? Tinh thần phụng sự nhân dân như thế nào, có hoàn thành hay không? Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo làm rõ vấn đề này.
PV: Quan điểm của ông thế nào khi EVN kêu lỗ và tiếp tục đề nghị tăng giá điện lần 2 vào tháng 9 tới đây, trong khi 5 đơn vị trực thuộc EVN hiện cung cấp, phân phối điện cho 63 tỉnh, thành trên cả nước đang có hàng chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: EVN kêu lỗ nhưng 5 đơn vị thuộc EVN là Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) lại báo lãi. Tất nhiên là lãi so với cùng kì năm trước không cao hơn, nhưng vẫn là có lãi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao trong lúc các đơn vị thành viên có doanh số tăng, lãi tăng, trong đó có công ty gửi ngân hàng ít khoảng 4.000 tỷ đồng, công ty nhiều gửi đến 10.000 tỷ đồng, tức là số tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ và ngay cả các DN bán điện cho EVN cũng đều có lãi lớn, vậy tại sao EVN lại báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Đây là câu hỏi lớn, rất cần có câu trả lời.
Về bản chất, EVN là DN nên bên cạnh việc trực tiếp sản xuất ra 11% sản lượng và 12% cổ phần còn lại là đi mua từ bên ngoài. Tôi nhớ không nhầm thì chênh lệch giá từ mua đến bán khoảng 30% - 37%. Đợt dịch, EVN báo lỗ vì DN hoạt động cầm chừng, nhưng bây giờ hết dịch rồi, mới cần điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng và trong khi nền kinh tế đang khó khăn, đang rất cần năng lượng để phục hồi kinh tế, thì EVN lại cắt điện và đòi tăng giá điện. Điều này sẽ tác động rất lớn tới cả nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Kinh tế khó khăn, người dân phải thắt lưng buộc bụng, nhiều hộ không dám sử dụng điện nhưng EVN vẫn đề xuất nâng giá điện. Lãnh đạo EVN có biết rằng, có biết bao người dân phải ăn cơm trong bóng tối, với nhiệt độ trong ngày là 42 độ và mồ hôi chảy ròng ròng vì thiếu điện không? Các vị nhập vai vào người dân trong điều kiện ấy bao giờ chưa?
Tôi được biết, EVN đang đầu tư thêm 2 tổ máy tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình (mở rộng) với số vốn là 9.200 tỷ hiện chưa biết hiệu quả ra sao. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tiền khả thi dự án này, đã có cảnh báo sạt lở, mực nước thủy điện ở lòng hồ Hòa Bình không đủ cho các tổ máy hiện tại hoạt động, nhưng không hiểu sao 2 tổ máy vẫn được đầu tư xây dựng? Tôi cũng được phản ánh rằng, quá trình thi công dự án này liên tục gặp sạt lở bờ sông, tác động cả đến trụ sở của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình, phải khắc phục với hàng trăm tỷ đồng. Tôi đề nghị phải xác minh, điều tra làm rõ vấn đề này.
Trở lại câu chuyện EVN giai đoạn trước (vào khoảng năm 2014), Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt vi phạm của EVN, nhưng tôi nhận thấy khâu xử lý sai phạm phần lớn là giao cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số địa phương liên quan đứng ra xử lý trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan. Trong khi đó, theo Kết luận có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, chẳng hạn như đầu tư ngoài ngành trái với tôn chỉ, mục đích hoạt động vượt vốn điều lệ tới hơn 45.000 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không đúng quy định hơn 1.900 tỷ đồng... rồi chỉ định thầu sai, hạch toán sai cùng rất nhiều vấn đề nhưng chỉ xử lý chiếu lệ.
PV: Từ những vấn đề trên, ông có kiến nghị gì để việc điều hành điện đảm bảo cung ứng cho sản xuất, sinh hoạt và minh bạch giá điện?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Tôi đề nghị Chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét nghiêm cẩn một số vấn đề.
Một là, xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét lại.
Hai là, cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.
Ba là, xem xét việc đầu tư thủy điện Hòa Bình mở rộng, làm rõ vì sao có cảnh báo sạt lở vẫn cứ làm, có phải vì thế mà lỗ không và hiệu quả như thế nào, quá trình triển khai thi công ra sao, có vi phạm pháp luật không?
Bốn là, làm rõ vì sao trong năm 2022 là năm cả nước đang thoát khỏi đại dịch, so với những năm trước đây việc sử dụng điện năng không nhiều. Thế nhưng EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới đây.
Ngoài ra, để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 Tổng công ty độc lập. Đó là: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220 kV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 Tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc Tổng công ty phân phối điện.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc, để lấy tiền đầu tư cho hệ thống đường dây truyền tải, nhằm giảm áp lực về truyền tải. Tôi cùng đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện.
PV: Xin cảm ơn ông!./.