Đây là vấn đề mà Clay Cockrell, nhà trị liệu tâm lý chuyên làm việc với người giàu có ở Mỹ, nhận ra sau nhiều năm làm việc với khách hàng. Khi tất cả nhu cầu tài chính đều đã được đáp ứng, con cái trong các gia đình siêu giàu gặp hiện tượng lòng tự trọng thấp, sự thiếu tự tin và sống lệ thuộc vào cha mẹ ngay cả khi trưởng thành.
Trong quá trình trị liệu tâm lý, các chuyên gia cũng nhận thấy người sinh ra trong gia cảnh bình thường luôn có nghị lực sống, khao khát thành công. Trong khi nhóm "sinh ra ở vạch đích" chỉ lo lắng bị mất quyền thừa kế. Trong những gia đình này, tiền bạc, địa vị và quyền lực vốn có thể trở thành thước đo để đánh giá mức độ xứng đáng của bản thân với tư cách là một con người.
Như trong bộ phim "Succession" được chiếu trên kênh truyền hình HBO mô tả cuộc đấu đá, tranh giành thừa kế giữa các thế hệ của gia đình Roy giàu có. Dù có những tình tiết hư cấu nhưng nội dung chính của bộ phim vẫn bám sát thực tế khi so sánh cuộc sống của giới siêu giàu và những người thừa kế.
Ông Cockrell nhận thấy điểm tương đồng giữa người thừa kế ngoài đời và những đứa con của Logan Roy, người đứng đầu gia đình trong bộ phim. Theo đó, họ luôn thể hiện bản thân dũng cảm, hoàn hảo nhưng ẩn bên trong là sự nông cạn và sợ hãi.
Paul Hokemeyer, chuyên gia tâm lý, người từng tham vấn cho nhiều người siêu giàu, nhận ra thế hệ thứ hai của các gia đình siêu giàu có thể bị ám ảnh bởi khối lượng tài sản thừa kế. Không ít người luôn tự vấn bản thân rằng những người xung quanh kết bạn với mình vì con người thật hay chỉ bởi tài sản sẽ được sở hữu.
Chuyên gia cũng cho rằng sự giàu có thể cô lập một cá nhân với những người xung quanh. "Họ cảm thấy tội lỗi vì sở hữu nhiều tài sản mà thế giới tôn sùng, nhưng đồng thời thấy bản thân thiếu sót, không thỏa mãn hay hạnh phúc", Hokemeyer nói.
Nghiên cứu của Daniel Kahneman và Matthew Killingsworth công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ tháng 3/2023, chỉ ra "cảm giác hạnh phúc có xu hướng tăng lên cùng sự giàu có". Nhưng đối với con cái của giới siêu giàu, sự bất hạnh và lòng tự trọng thấp dường như đi kèm với khối tài sản.
Hokemeyer cũng nhận thấy sự khác biệt về tâm lý giữa người tạo ra của cải và người thừa kế, bắt nguồn từ ý thức về quyền tự quyết của một người nằm ở bên trong hay ngoài. Một khái niệm được gọi là "vị trí kiểm soát" (locus of control).
Theo đó, những người thừa kế hoặc kết hôn với người giàu phải chịu sự kiểm soát từ bên ngoài. Nghĩa là họ phải chấp nhận cuộc sống chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những thứ nằm ngoài quyền tự quyết của bản thân. Điều này có thể làm xói mòn ý thức cá nhân của họ.
Khi bị lu mờ bởi hào quang của sự giàu có, con người không thể phát triển được sự tự tin lành mạnh và kiên định. Họ sẽ luôn nghi ngờ về khả năng đóng góp của mình với thế giới và hoài nghi về việc những lời khen ngợi được nhận.
Nigel Nicholson, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh London (Anh), nói rằng trong cuộc chiến thừa kế có hai xung đột chính cần được giải quyết. Một là xung đột giữa cha mẹ - con cái, và hai là sự ganh đua giữa anh chị em ruột.
Sự ganh đua của anh chị em bắt đầu từ tâm lý tranh giành sự chú ý của cha mẹ. Trong khi xung đột giữa các thế hệ là do phụ huynh nghi ngờ năng lực của con và không dám trao quyền tự quyết cho chúng.
"Thế hệ đi trước tin rằng bản thân biết điều gì là tốt nhất cho con cháu. Nhưng thế hệ sau lại tin vào quyết định của chính mình. Trong trường hợp này người đi trước nên nhường bước. Các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ phát triển bản thân thay vì sống thụ động vào tài sản không phải do mình làm ra", ông Nicholson đưa lời khuyên.
Bên cạnh đó, cố vấn gia đình Diana Chambers cũng cho rằng cha mẹ nên dạy con trẻ cách quản lý tài chính và cảnh báo những gánh nặng đi kèm khi trở thành người thừa kế, từ sớm. Còn riêng bản thân người thừa kế cũng nên xây dựng ý thức độc lập, biết phát triển sự nghiệp riêng trước khi tiếp quản khối tài sản khổng lồ.
(Theo Washington Post)