Đi bộ là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, chỉ cần bạn có thể duy trì việc tập luyện đều đặn và thường xuyên là có thể rèn luyện sức khỏe và cải thiện vóc dáng.
Các bác sĩ khuyến cáo số bước đi bộ tốt nhất mỗi ngày nên ở mức khoảng 5.000 - 7000 bước. Với con số này, cơ thể sẽ không phải làm việc quá mệt mà còn đạt được hiệu quả trong việc tập luyện.
Mặc dù đây là phương pháp tập luyện tương đối nhẹ nhàng nhưng cũng có một số người gặp khó khăn trong lúc thực hiện. Nguyên nhân là vì họ thường gặp một số biểu hiện "khó chịu" khi đi bộ, đó cũng là dấu hiệu cho thấy bệnh tật đang xâm nhập cơ thể, cần phải chú ý đề phòng.
Đi bộ không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn phản ánh sức khỏe, nếu trong lúc thực hiện môn thể thao này mà xuất hiện 6 triệu chứng dưới đây thì bạn phải cảnh giác với một số loại bệnh, tốt nhất nên đi khám kịp thời để có phương pháp điều trị phù hợp.
1. Đi không vững
Ảnh minh họa: Internet
Nếu khi đi bộ, bạn luôn có cảm giác đi không vững, thậm chí bị lảo đảo, nghiêng người thì cần cảnh giác với các bệnh về mạch máu não. Não bộ là cơ quan đầu não của cơ thể con người, giúp kiểm soát sự thăng bằng khi di chuyển. Nếu não bất ổn thì nó cũng thể hiện ra khi đi bộ.
2. Dáng đi bất thường
Những người khỏe mạnh thường ngẩng cao đầu, chân sải bước về phía trước, di chuyển linh hoạt và nhanh nhẹn khi đi bộ. Tuy nhiên, nếu cơ thể có bệnh sẽ khiến việc di chuyển bị ảnh hưởng, dáng đi loạng chạng, đổ nhiều về phía trước.
Đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe não bộ, bệnh thần kinh trung ương hoặc chứng mất điều hòa tiểu não.Vì vậy, nếu xuất hiện trạng thái đi lảo đảo, không vững vàng thì bạn cũng nên đi kiểm tra để tìm hiểu rõ nguyên do.
3. Chóng mặt và đau đầu khi đi bộ
Ảnh minh họa: Internet
Cảm giác chóng mặt, đau đầu khi đi bộ có thể là do các bệnh lý nội sọ gây ra. Khi mạch máu não bị thu hẹp hoặc thậm chí có dấu hiệu đột quỵ sẽ dễ gây thiếu máu cục bộ và thiếu oxy nên bạn sẽ dễ bị chóng mặt và đau đầu.
4. Đau bụng và tiêu chảy sau khi đi bộ
Cảm thấy đau bụng, chướng bụng khi đi bộ có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Đi bộ có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa nhưng không gây tiêu chảy. Trong trường hợp bạn thường xuyên bị đau bụng và muốn đi vệ sinh trong khi đi bộ thì rất có thể dạ dày và ruột của bạn đã bị tổn thương, khi vận động sẽ kích thích tiêu hóa và gây tiêu chảy.
Do đó, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra nếu tình trạng sức khỏe này diễn ra trong thời gian dài.
5. Đau tức ngực, khó thở khi đi bộ
Nếu khi đi bộ bạn luôn cảm thấy tức ngực thì cần cảnh giác với những tổn thương ở tim, trong đó thường gặp nhất là những cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành tim dễ gây ra khi sinh hoạt. Người mắc bệnh này sẽ phải tiết chế hoạt động, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm.
Trường hợp khó thở khi di chuyển thì cần cảnh giác các bệnh về phổi, nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Bệnh về phổi thường gặp nhất là phổi tắc nghẽn mãn tính nếu người bị có thói quen hút thuốc lá lâu ngày làm tổn thương cấu trúc của phổi dẫn đến chức năng phổi bị suy giảm nghiêm trọng. Từ đó, dẫn đến hiện tượng hụt hơi, khó thở khi vận động.
6. Đau khớp gối khi đi lại
Đi bộ là phương pháp tập luyện nhẹ nhàng nhưng cần có sự phối hợp của các khớp xương toàn thân, đặc biệt là khớp gối và cột sống thắt lưng. Trường hợp bạn bị đau khớp đầu gối bất thường hay cảm thấy đau nhức vùng thắt lưng và chân thì nên đề phòng bệnh lý về khớp gối.
Nếu kết cấu của xương khớp kém sẽ làm tăng nguy cơ thoái hoá xương khớp, gây ảnh hưởng đến việc đi bộ.
(Theo Sohu)