Mới đây, dòng chia sẻ của một nữ sinh về mức lương khi ra trường chỉ 7 triệu đồng đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cô gái viết:
"Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ?
Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm 2 đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi ạ, nhưng em nghĩ là sau khi ra trường thì NEU sẽ có mức lương cao hơn các trường khác chứ ạ? Tự nhiên dạo này mọi người đồn nhau ra trường lương chỉ có 7 - 8 triệu mà em thấy buồn quá, liệu có xứng với 4 - 5 năm học đại học tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không? Ít nhất các nhà tuyển dụng cũng phải nhìn "profine" (chính xác là profile - PV) của ứng viên xem trường nào tiềm năng trường nào không chứ nhỉ… Cứ hy vọng học NEU sẽ có tương lai rộng mở mà nhìn các anh chị ra trường đi làm kể chuyện em thấy bi quan quá ạ".
Với tư cách là một người đã đi làm nhiều năm, tôi tự hỏi: ''Đến bao giờ sinh viên Việt Nam mới thôi có suy nghĩ non nớt chỉ cần tốt nghiệp trường giỏi, bằng giỏi thì sẽ thành công?".
Tôi thuộc thế hệ đầu 8x. 4 năm đại học, ngoài thời gian trên giảng đường, tôi cũng bắt đầu thử thách bản thân với công việc làm thêm dù mục đích ban đầu chỉ để thỏa mãn có tiền ăn chơi, mua sắm quần áo chứ không phải tích lũy kinh nghiệm.
Sinh viên ''ảo tưởng'' chỉ cần học trường tốt sẽ tự có một tương lai tươi sáng
Công việc đầu tiên của tôi là phục vụ trong căng tin của trường học, mức lương 1,5 triệu đồng/tháng và được bao ăn bữa trưa. Lúc này tôi đang học năm nhất, với suy nghĩ non nớt của người chưa bao giờ kiếm tiền thì dù có là bao nhiêu cũng đủ khiến tôi vừa lòng.
Làm được vài buổi, tôi bắt đầu thức thời. Tôi không đủ cam tâm bưng phở, ngồi nhặt rau, kẹp bánh mì cho những sinh viên khác. Tôi nghĩ nếu chỉ để làm những công việc này thì đâu cần phải học, tại sao không tự kiếm tiền bằng chính ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Vậy là tôi bắt đầu tìm kiếm công việc trên các hội nhóm Facebook.
May mắn, tôi được chọn viết bài về công thức nấu ăn cho một trang tin điện tử mang tên ''Hôm nay ăn gì''. Mỗi bài viết được trả nhuận bút khoảng 15-30 nghìn đồng, tùy vào lượng chữ và chất lượng bài. Tuy không cao, nội dung vô thưởng vô phạt nhưng ít nhất tôi lại học thêm được vài ''mẹo'' hay, luyện được câu chữ, chính tả,...
Làm được 1-2 tháng, tôi được cất nhắc chuyển sang phụ trách cho trang web chuyên review về ẩm thực, địa điểm ăn uống, vui chơi ở Hà Nội. Những bài viết này cần đầu tư chất xám hơn một chút, rèn được nghề hơn và cũng tăng được mức nhuận hơn.
Cứ vậy, từ những bài viết 15 nghìn đồng, tôi mở mang được nhiều hơn cả về ''tay viết'' lẫn mối quan hệ. Lên tới năm 3-4 đại học, tôi bắt đầu cộng tác cho những tờ báo lớn, mức lương dao động trong khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Và đến khi ra trường, tôi cũng đủ ''chín'' để nhận được lời mời về làm việc của rất nhiều cơ quan. Tôi lúc này không phải là người đi xin việc mà đã ở tâm thế của người được phép lựa chọn điều phù hợp với bản thân mình.
Đáng nói, tôi không phải là người học tốt, bằng tốt nghiệp chỉ ở mức khá nhưng tôi tự hào rằng, tôi đã đứng ra xin việc cho ít nhất 3 người bạn bằng giỏi học cùng trường.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: "Bằng cấp giỏi, mác trường TOP có thực sự mang tính quyết định trong thành công của mỗi người?''.
Hãy tự vẽ nên con đường thành công cho chính mình
Mức lương 7 triệu sau khi ra trường sẽ là cao nếu như trong suốt quá trình học đại học bạn không tự rèn luyện về tri thức, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm, cách ứng xử trong cuộc sống thường ngày. Ngược lại khi bạn đã tự tích lũy cho bản thân thì dù sớm hay muộn, bạn cũng sẽ tự phát triển.
Các bạn sinh viên sắp ra trường hãy nên nhớ:
- Sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào chỉ nhìn vào tấm bằng mà tuyển bạn vào làm
- Đi làm rồi hãy tự giác trong mọi việc và luôn không ngừng học hỏi. Song, hãy nghiên cứu trước khi hỏi, tự tìm tòi rồi hẵng hỏi và đừng hỏi những biến mình trở nên ngớ ngẩn trong mắt người khác.
- Điều khiến bạn mệt mỏi nhất khi đi làm không phải công việc mà là những áp lực xung quanh: Sếp, đồng nghiệp, môi trường,...
- Ở nơi công sở, đừng gây hấn hay thù hằn với bất kỳ ai và cũng đừng tỏ ra quá thân thiết, tin tưởng người lạ. Đồng nghiệp chơi thân đến đâu cũng đừng dốc hết lòng ra mà tâm sự, đừng a dua nói xấu sau lưng người khác...Bởi đến khi có chuyện, bạn sẽ trở tay không kịp.
- Trong cuộc sống, EQ còn quan trọng hơn cả IQ. Học giỏi mà không ứng xử khôn khéo, giao tiếp vụng về thì cũng không ''trụ vững'' trong môi trường công sở.
- Ở trường thầy cô cho học rồi mới kiểm tra, ở đời thì kiểm tra xong rồi mới có bài học. Thậm chí, còn phải trả giá đắt.
Vậy đấy, tốt ngiệp đại học mới chỉ là bắt đầu, bằng giỏi chỉ giúp bạn nổi tiếng ở trường còn đã đi làm, người ''được việc'' mới là người được trọng dụng.