Thời sự

Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị "móc túi", chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm

Chuyển sang đi làm bằng xe đạp, tàu điện, xe buýt vì giá xăng tăng cao

Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã trải qua 6 lần điều chỉnh giá và chạm mốc 29.820/lít. Nếu so với thời điểm tháng 3/2021, giá xăng đã tăng 48% khiến người dân phải ngao ngán, than trời.

Anh Nguyễn Vũ Hồng Quân (29 tuổi, Hà Nội) vẫn thường dùng xe máy để đi làm. Tuy nhiên, từ khi giá xăng liên tục tăng cao, anh đã sắm một chiếc xe đạp và quyết định dùng phương tiện này để đi làm.

 Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị móc túi, chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm - Ảnh 1.

Anh Quân sắm xe đạp để đi làm (Ảnh: NVCC)

"Nhà mình cách công ty tầm 2km, trước kia vẫn thường dùng xe máy đi làm. Nhưng gần đây xăng tăng giá ghê quá, trước kia đổ bình xăng tầm 100 nghìn, thì giờ phải tầm 130-140 nghìn. Vậy nên, mình quyết định đổi sang đi xe đạp, dù tốn thời gian hơn một chút nhưng vừa luyện tập sức khỏe, vừa tiết kiệm được thêm tiền chi tiêu cho gia đình", anh Quân chia sẻ.

Vì giá xăng tăng, anh Thành Đạt (31 tuổi, Hà Đông) cũng phải chuyển đổi phương tiện đi làm. Nhà cách chỗ làm hơn 10 km, trước đây anh Đạt vẫn sử dụng xe máy để di chuyển vì độ thuận tiện, linh hoạt cao. Nhưng giờ đây, anh quyết định đi làm bằng tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

 Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị móc túi, chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm - Ảnh 2.

Người Hà Nội chuyển sang đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đến nơi làm việc

"Trước kia, mình cũng không quan tâm đến lựa chọn phương tiện đi lại, hàng ngày cứ lên xe máy đổ xăng và đi. Tuy nhiên, đợt này xăng tăng giá nhiều quá, mỗi lần đổ xăng đều thấy xót tiền. Bởi vậy, tôi quyết định chuyển sang phương tiện công cộng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh tắc đường", anh Đạt tâm sự.

Mặt hàng nào cũng tăng giá, mỗi lần đi chợ như bị "móc túi"

Không chỉ giá xăng tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đồng loạt "leo thang". Mỗi lần đi chợ, các bà nội trợ lại không tránh khỏi cảnh đau đầu, làm sao để lựa chọn thực phẩm ưng ý mà giá cả phải chăng.

Cô Nguyễn Thu Hương (53 tuổi, Quảng Ninh) thường xuyên phải "cân đo đong đếm" mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Từ ngày giá cả liên tục tăng, mỗi lần đi chợ, cô đều cảm thấy mình như bị "móc túi".

"Từ những thứ nhỏ như cân đường, lạng muối đến những thứ lớn như bình gas đều tăng đồng loạt khiến mình cũng phải cân nhắc nhiều trong chi tiêu cho gia đình. Bao năm làm nội trợ trong gia đình mình cũng đoán được giá xăng dầu lên thì mọi thứ cũng lên nên đã tìm cách cân đối lại chi tiêu.

 Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị móc túi, chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm - Ảnh 3.

Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá

Dù nhìn thì chỉ 1 vài nghìn không đáng bao nhiêu nhưng tất cả đều tăng thì mình sẽ mất thêm đến cả tiền triệu mỗi tháng khi chi tiêu cho cả 5 người trong gia đình. Đi chợ giống như bị "móc túi" vậy", cô Hương than thở.

Chị Vũ Thị Dung (28 tuổi, ở Hà Nội) do gia đình có con nhỏ nên chi phí sinh hoạt cũng trở thành gánh nặng không nhỏ đối với đôi vợ chồng trẻ.

"Sau khi có con, chi phí sinh hoạt gia đình cũng tăng lên đáng kể, giờ cầm vài trăm nghìn đi chợ cũng không mua được thực phẩm ưng ý. Nếu ngày nào muốn ăn đồ tươi thì chỉ ăn được một bữa. Trước kia, tiền đi chợ cho gia đình 4 người nhà mình rơi vào khoảng 5-6 triệu đồng. Giờ giá cả liên tục tăng nên tiền đi chợ cũng phải thêm 1-2 triệu nữa", chị Dung chia sẻ.

 Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị móc túi, chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm - Ảnh 4.

So sánh giá một số mặt hàng thiết yếu hiện tại với 1 năm trước

Nhắc đến chuyện đi chợ, chị Kim Ngân (33 tuổi, Hà Nội) không khỏi đau đầu. Giá cả mỗi ngày một tăng mà tiền lương thì lại đứng im khiến gia đình chị luôn trong cảnh "bóp mồm bóp miệng", thắt chặt chi tiêu.

"Bây giờ đi chợ, mặt hàng nào cũng đắt đỏ hơn. Thậm chí, từ gói mì tôm cũng thấy tăng giá, từ 5 nghìn lên 6 nghìn, dầu ăn, nước mắm, mì chính, giấy vệ sinh… động mua thứ nào là thứ ấy tăng giá. Rồi bình gas trước tầm hơn 300 nghìn thì giờ hẳn 500 nghìn. Đến hộp sữa mua cho con uống hàng ngày cũng tăng từ 1-2 nghìn/hộp.

Gia đình có con nhỏ nên cũng muốn mua nhiều thực phẩm bồi bổ sức khỏe cho các con. Nhưng mà giá cả cứ liên tục đắt đỏ, tiền lương thì không thấy tăng thêm, mình cũng phải cố gắng 'bóp mồm bóp miệng', thắt chặt chi tiêu để đảm bảo kinh tế gia đình", chị Xuân chia sẻ.

Không chỉ người mua, nhiều tiểu thương cũng cảm thấy bất ngờ về mặt bằng giá hiện nay. Chị Thanh Xuân, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, giá hàng tạp hóa nhập về bán liên tục tăng.

 Người dân than trời vì hàng hóa, xăng gas ồ ạt tăng giá: Mỗi lần đi chợ như bị móc túi, chuyển sang đi xe đạp, tàu điện cho tiết kiệm - Ảnh 5.

Người dân oằn mình vì gánh nặng chi tiêu thời bão giá

"So với thời điểm trước Tết, nhiều mặt hàng nhập về đều đồng loạt tăng giá. Ví dụ như mì ăn liền tăng thêm khoảng 8-10% tùy loại, dầu ăn cũng tăng thêm từ 5-10 nghìn/lít. Hay như nước mắm, mì chính cũng tăng nhẹ từ 3-5 nghìn.

Bởi giá nhập tăng nên mình cũng phải tăng giá bán. Nhiều sinh viên hoặc gia đình khó khăn cũng than thở nhưng biết làm thế nào được, giờ giá cả nó như vậy rồi", chị Xuân chia sẻ.

Trước cơn bão giá, cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ. Người dân phải oằn mình gánh thêm các khoản phí chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Mọi thứ đều phải "cân đo đong đếm" cẩn thận để có thể duy trì được cuộc sống.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm