Bệnh nhân V.Đ.P., có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, nhập viện trong tình trạng nguy kịch: đau đầu dữ dội, sốt cao liên tục, nôn vọt và rối loạn ý thức. Trước đó, bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn, dùng kháng sinh nhưng không cải thiện, thậm chí nặng thêm, sốt liên tục 39–40°C và lơ mơ.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm nấm Cryptococcus – tác nhân gây viêm màng não. Đồng thời, người bệnh có dấu hiệu xơ gan tiến triển như vàng da, cổ trướng, sao mạch – cho thấy hệ miễn dịch đã suy kiệt nghiêm trọng.
Hiểm họa từ loại nấm sống trong môi trường tự nhiên
Theo bác sĩ, ThS. Nguyễn Kim Anh, Khoa Cấp cứu, viêm màng não do nấm là bệnh lí hiếm nhưng cực kì nguy hiểm, thường gặp ở người có hệ miễn dịch suy yếu như xơ gan, HIV/AIDS, tiểu đường hoặc suy thận. “Trong trường hợp này, nguyên nhân sâu xa là xơ gan do rượu làm suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho nấm xâm nhập hệ thần kinh trung ương”.
Nấm Cryptococcus thường tồn tại trong đất, nước nhiễm phân chim bồ câu hoặc môi trường ẩm mốc. Người khỏe mạnh khó bị nhiễm, nhưng với người suy giảm miễn dịch, nấm có thể đi vào máu, tấn công não gây viêm màng não.
Đáng chú ý, người bệnh này thường xuyên tiếp xúc với môi trường chăn nuôi nhiều chim bồ câu – nguồn lây nhiễm phổ biến của loại nấm này.
Nấm Cryptococcus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, da, xương, hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác.
Tổn thương ở phổi: thể phổi nguyên phát diễn biến đa dạng, có thể diễn biến âm thầm hoặc thoáng qua, bệnh khó tiên đoán nhất là ở người khỏe mạnh.
Thể nhẹ có thể gây viêm phổi nhẹ, bệnh nhân ho, sốt nhẹ, tiết đờm dãi, đau ngực, phần lớn không thấy hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.
Thể xâm nhập xuất hiện khi tình trạng nhiễm nấm tiên phát không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến viêm phổi mạn tính. Bệnh nhân có thể sốt, ho hoặc không có triệu chứng. Thể xâm nhập làm tăng nguy cơ nấm lan tràn đến hệ thần kinh trung ương.
![]() |
Bệnh nhân mắc bệnh nấm cực kì nguy hiểm. |
Tổn thương ở hệ thần kinh: viêm màng não chiếm tới 85% tổng số các trường hợp bệnh. Bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, lơ mơ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, lẫn lộn, cứng gáy. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ đau đầu dữ dội, sốt cao, rối loạn nhận thức, mất trí nhớ, đôi khi dẫn đến phù gai thị, phù nề, liệt dây thần kinh sọ, hôn mê và tử vong.
Đôi khi có thể gặp trường hợp u nấm (nấm crytococcoma), đây là các tổn thương giả u rắn, khu trú ở bán cầu đại não, tiểu não và tủy sống. Bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, ngủ gà, buồn nôn, nôn, lơ mơ, nói lắp, rối loạn vận động, hôn mê, liệt.
Tổn thương ở da: tổn thương da nguyên phát là các tổn thương ở thể loét hoặc viêm mô tế bào, thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch. Bệnh thường tự khỏi nhưng cần được tái khám, theo dõi định kỳ để đề phòng nguy cơ nấm lan tỏa đến hệ thần kinh.
Tổn thương da thứ phát: bệnh ở thể lan tỏa, các tổn thương xuất hiện ở đầu, cổ, hậu môn dưới dạng nổi sần, cục, áp xe, vết loét da, tổn thương dạng herpes hoặc u Kaposi.
Tổn thương ở các cơ quan khác: tổn thương xương, chủ yếu ở xương mặt, xương sọ và xương cột sống. Tổn thương xương chiếm khoảng 10% trong thể bệnh lan tràn, tổn thương thường là hủy xương, người bệnh có cảm giác đau khi vận động, đôi khi có thể viêm khớp đặc biệt là khớp gối. Tổn thương mắt do tăng áp lực nội sọ gây phù gai thị.
Bệnh nhiễm nấm Cryptococcus đôi khi có thể gây viêm bể thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm nội tâm mạc, viêm gan, viêm thực quản, viêm xoang,…
Khó chẩn đoán và điều trị
Theo BS Kim Anh, viêm màng não do nấm là một trong những thách thức lớn của y học. Thuốc kháng nấm hiện có khả năng xuyên hàng rào máu–não rất kém, chỉ khoảng 1–2%, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn dù đã chẩn đoán đúng.
Tuy nhiên, nhờ điều trị tích cực bằng phác đồ kháng nấm đặc hiệu, sau 10 ngày, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục: tỉnh táo hoàn toàn, hết sốt và giảm đau đầu – điều hiếm thấy ở các ca nặng.
Viêm màng não do nấm thường có biểu hiện ban đầu không rõ ràng như sốt dai dẳng, đau đầu kéo dài, nôn ói, dễ bị nhầm với cảm cúm, lao hoặc viêm màng não do vi khuẩn. Nhiều trường hợp bị chẩn đoán chậm, đến khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh có nguy cơ hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
“Với người có bệnh nền, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu kéo dài, sốt cao không dứt, nôn vọt hoặc rối loạn ý thức, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để làm xét nghiệm dịch não tủy. Phát hiện sớm là yếu tố sống còn”, bác sĩ Kim Anh nhấn mạnh.
Hiện chưa có vắc xin hay thuốc dự phòng đặc hiệu đối với viêm màng não do nấm. Vì vậy, người có hệ miễn dịch suy yếu – như xơ gan, HIV/AIDS, bệnh mạn tính – được khuyến cáo nên: khám sức khỏe định kì; tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như phân chim, đất bẩn, nơi ẩm mốc; cảnh giác với các dấu hiệu bất thường của cơ thể để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm nấm.