Kinh doanh

ShopeePay chính thức thu phí duy trì tài khoản không hoạt động kể từ hôm nay

ShopeePay chính thức thu phí duy trì tài khoản không hoạt động kể từ hôm nay- Ảnh 1.

Theo thông báo được đăng tải trên trang Trung tâm trợ giúp ShopeePay, từ ngày 16/5/2025, ShopeePay, ví điện tử thuộc hệ sinh thái Shopee, sẽ chính thức áp dụng chính sách thu phí duy trì tài khoản không hoạt động, với mức tối đa 5.000 đồng/tháng, bao gồm thuế GTGT.

Chính sách này nhắm đến các tài khoản không phát sinh giao dịch chủ động thành công nào trong 24 tháng liên tiếp, tính đến ngày 15 của tháng thu phí. Chỉ các tài khoản có số dư ví lớn hơn 0 đồng mới bị thu phí và việc khấu trừ sẽ được thực hiện tự động từ ví ShopeePay, không ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng liên kết.

ShopeePay định nghĩa "giao dịch chủ động" bao gồm các hành động như: nạp tiền vào ví, chuyển tiền, rút tiền, thanh toán đơn hàng Shopee/ShopeeFood, thanh toán hóa đơn dịch vụ, sử dụng ví ShopeePay hoặc ngân hàng liên kết để thanh toán tại các đối tác (như BE, Xanh SM, Apple, Google…), quét mã QR, gửi lì xì…

Ví dụ, phí duy trì của tháng 5/2025 sẽ áp dụng với những tài khoản không có giao dịch chủ động nào từ 16/5/2023 đến 15/5/2025.

Thời điểm bắt đầu thu phí hàng tháng sẽ rơi vào trước ngày 26. Nếu tài khoản tiếp tục không phát sinh giao dịch chủ động trong 6 tháng liên tiếp, ShopeePay sẽ tiến hành đóng tài khoản và chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Việc áp dụng chính sách thu phí này được ShopeePay cho biết là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hệ thống vận hành. Chính sách sẽ có hiệu lực liên tục cho đến khi có thông báo thay thế hoặc điều chỉnh khác.

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi như MoMo, ZaloPay, ShopeePay, VNPay, Viettel Money hay VNPAY. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt là 58 triệu, với hơn 34 triệu ví đang hoạt động, chiếm khoảng 59% tổng số ví đã kích hoạt. MoMo hiện là ví có thị phần lớn nhất với hơn 30 triệu người dùng, theo sau là ZaloPay và ShopeePay.

Nhu cầu sử dụng ví điện tử tăng nhanh nhờ xu hướng thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở các thành phố lớn và trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán hóa đơn. Thị trường này được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng khi tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ngày càng cao, trong khi tỷ lệ thanh toán không tiền mặt vẫn chưa đạt kỳ vọng. Cạnh tranh giữa các ví ngày càng quyết liệt, buộc các đơn vị phải liên tục tung ưu đãi, mở rộng hệ sinh thái và đồng thời kiểm soát chặt chi phí vận hành.

Thúy Hạnh

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm mạnh

Giá vàng thế giới phiên giao dịch Mỹ đêm 16.5 tiếp tục giảm mạnh, ghi nhận một ngày tăng giảm bất thường.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên và chức năng, nhiệm vụ của Tổ Công tác về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Tổ Công tác).

Chọn iPhone hay tài khoản số đẹp? VIB hẹn bạn sáng 17.05 trên TikTok cùng Tổng tài Võ Tấn Phát

Trong lúc “Phi vụ tiền tỷ” của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đang thu hút hàng chục ngàn tài khoản Siêu Lợi Suất mới mỗi tuần, sân chơi dành cho người dùng tài khoản sinh lời này của VIB lại tiếp tục được mở rộng bằng phiên livestream trực tiếp cùng Tổng tài Võ Tấn Phát, diễn ra duy nhất vào thứ bảy, ngày 17.05.2025, từ 10h00 đến 13h00, trên nền tảng TikTok.