Trước những ý kiến phản ánh kéo dài từ người dân và doanh nghiệp về tình trạng "ba trạm thu phí án ngữ" các lối vào danh thắng Núi Sam (TP. Châu Đốc), mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Hồ Văn Mừng, đã có chỉ đạo cụ thể: yêu cầu Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia Núi Sam phối hợp cùng chính quyền TP. Châu Đốc tiến hành tháo dỡ toàn bộ các trạm thu phí nói trên.
Việc tháo dỡ các trạm thu phí Núi Sam sẽ mở ra hy vọng du lịch bền vững, hài hòa lợi ích và nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của du khách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi người trong việc tiếp cận và khai thác tiềm năng du lịch tại khu vực Núi Sam, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị tới Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27/4 Âm lịch hằng năm, thể hiện bản sắc, sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Chăm, Hoa và Khmer tại An Giang.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ảnh: BQL KDL QG Núi Sam
Tháng 12 năm 2024, Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam An Giang đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 ở Nam bộ (cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử) được UNESCO ghi danh. Hơn 2.000 người dân đã đến dự lễ đón bằng của UNESCO, được tổ chức vào tháng 3 vừa qua.
Khi đến Lễ hội Vía bà Chúa Xứ, mọi người không nên bỏ qua những danh thắng, địa điểm nổi tiếng và vẻ đẹp thiên nhiên tại Núi Sam. Năm nay, Khu du lịch quốc gia Núi Sam phấn đấu đón 6 triệu lượt khách.
Núi Sam – Nơi giao hòa giữa tín ngưỡng, thiên nhiên và lịch sử
Từ lâu, Núi Sam – ngọn núi nhỏ nằm giữa lòng thành phố Châu Đốc (An Giang) – đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi nhịp sống ồn ào, tìm lại sự tĩnh lặng giữa thiên nhiên và tín ngưỡng.

Núi Sam – Ảnh: Nguyễn Xuân/BQL KDL QG Núi Sam
Đến với Núi Sam, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành của vùng biên viễn, thả hồn theo những cánh chim trời, mà còn như được gột rửa tâm hồn trong không gian linh thiêng và cổ kính của các công trình tôn giáo hàng trăm năm tuổi.
Dưới đây là 5 địa điểm “check-in” không thể bỏ lỡ khi khám phá vùng đất đặc biệt này:
1. Miếu Bà Chúa Xứ
Nằm ngay dưới chân núi, Miếu Bà Chúa Xứ là điểm đến nổi bật nhất và cũng là nơi thu hút đông đảo khách hành hương quanh năm. Công trình có kiến trúc độc đáo mô phỏng hình hoa sen đang nở, mái ngói xanh tam cấp cùng các chi tiết trang trí mang đậm sắc thái văn hóa Nam Bộ.
Tâm điểm của ngôi miếu là pho tượng Bà Chúa Xứ bằng sa thạch, được tôn trí trang nghiêm ở vị trí chính điện. Đây là một trong những tượng thờ lớn và cổ kính, gắn liền với nhiều truyền thuyết linh thiêng và được người dân tin rằng có thể mang lại may mắn, tài lộc.

Góc Miếu Bà về đêm. Ảnh: BQL KDL QG Núi Sam
2. Cáp treo Núi Sam
Trong nỗ lực nâng tầm giá trị du lịch của danh thắng Núi Sam, tỉnh An Giang đã kêu gọi và hợp tác cùng Công ty CP MGA Việt Nam đầu tư Khu du lịch tâm linh hiện đại ngay dưới chân núi. Dự án này là sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Điểm nhấn nổi bật là hệ thống cáp treo lần đầu tiên xuất hiện tại Núi Sam, giúp du khách dễ dàng lên đến đỉnh Học Lĩnh Sơn.
Từ đây, du khách có thể chiêm bái tượng Phật ngọc uy nghiêm, tham quan bệ đá được cho là nơi Bà Chúa Xứ từng ngự, và đặc biệt là phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh thành phố Châu Đốc cùng dòng kênh Vĩnh Tế lịch sử dài gần 100km – biểu tượng của tinh thần khai hoang và bảo vệ biên cương một thời.
3. Chùa Tây An
Nằm ở phường Núi Sam, cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 5km, Chùa Tây An – hay còn gọi là Tây An cổ tự – là một trong những công trình Phật giáo lâu đời và nổi bật của An Giang. Không chỉ là nơi chiêm bái linh thiêng, chùa còn là điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan đặc sắc.

Tây An cổ tự. Ảnh: BQL KDL QG Núi Sam
Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1847. Tựa lưng vào núi Sam, khung cảnh phía sau chùa như một bức bình phong thiên nhiên xanh ngắt, tạo nên thế phong thủy vững chãi và thanh tịnh.
Điểm nhấn nổi bật của chùa Tây An chính là mặt tiền với ba cổ lầu mái tròn hình củ hành, được trang trí bằng những gam màu rực rỡ nhưng vẫn giữ được sự hài hòa tổng thể. Kiến trúc chùa theo bố cục chữ "tam", kết hợp giữa phong cách nghệ thuật Ấn Độ và lối thiết kế truyền thống của chùa Việt, mang đến một diện mạo độc đáo hiếm thấy. Với những giá trị đó, chùa đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Không gian quanh chùa còn được điểm tô bằng nhiều loại hoa và cây kiểng quý hiếm, góp phần tạo nên khung cảnh yên bình, thiền tịnh. Mỗi năm, hàng ngàn lượt khách hành hương và du khách ghé thăm chùa Tây An, không chỉ để vãn cảnh mà còn để cầu an, tìm kiếm sự an yên cho bản thân và gia đình giữa một vùng đất giàu văn hóa tâm linh của miền Tây Nam Bộ.
4. Chùa Hang
Tên thật là Phước Điền Tự nhưng ngôi chùa này được người dân gọi là “Chùa Hang” do trong khuôn viên có một hang đá tự nhiên gắn liền với truyền thuyết kỳ lạ: có người từng đánh dấu trái dừa rồi thả vào hang, sau đó tìm thấy nó ở tận vùng biển Hà Tiên.
Từ một am nhỏ bên sườn núi, sau nhiều lần trùng tu, Chùa Hang giờ đây sở hữu lối kiến trúc hài hòa, tạo cảm giác thanh tịnh giữa thiên nhiên. Đứng từ chùa nhìn xuống, khung cảnh núi non và trời xanh trải dài đến tận chân trời khiến lòng người nhẹ nhõm lạ kỳ.

Chùa Hang An Giang. Ảnh: BQL KDL QG Núi Sam
5. Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu
Nằm tựa lưng vào triền Núi Sam và hướng mặt ra Quốc lộ 91, Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn được gọi là Sơn Lăng, là một trong những di tích văn hóa, lịch sử và kiến trúc tiêu biểu tại An Giang. Đây là nơi an nghỉ của Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại), vị danh thần có công lớn trong quá trình khai khẩn vùng đất phương Nam.
Ông chính là người đã chỉ huy việc đào hai tuyến kênh chiến lược, góp phần quan trọng trong việc phát triển giao thông thủy, kết nối vùng miền, tạo điều kiện cho thương mại và bảo vệ biên cương phía Tây Nam của đất nước. Ghi nhận tầm vóc của công trình, sách Đại Nam nhất thống chí từng chép: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”.
Toàn bộ khu lăng được xây dựng trên nền đá xanh chắc chắn, tạo thành một tổng thể kiến trúc cổ kính và trang nghiêm. Bao quanh lăng là những bức tường thành vững chãi, cao hơn đầu người, phía trước có hai cổng chính hình bán nguyệt mang phong cách lăng tẩm cổ, hai bên là những câu liễn đối trang trí.
Để vào khu lăng, du khách phải bước qua 9 bậc đá ong, loại vật liệu được vận chuyển kỳ công từ nơi khác. Không gian nơi đây vừa tĩnh lặng, vừa mang đậm hơi thở lịch sử, là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá vùng đất Châu Đốc, An Giang.
(Tổng hợp)