Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc, từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của đất nước, đã nộp đơn xin phá sản ở New York hôm 17/8, theo CNN.
Evergrande đã vay nợ rất nhiều và không trả được nợ vào năm 2021, gây ra một cuộc khủng hoảng tài sản lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.
Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, cho phép tòa án phá sản của Mỹ công nhận một thủ tục phá sản hoặc tái cơ cấu nợ liên quan đến nước ngoài.
Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài.
Tác động của việc Evergrande vỡ nợ?
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc từ lâu đã được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm tới 30% GDP của nước này.
Nhưng vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường bất động sản Trung Quốc, dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà không thể hoàn thành việc xây dựng trên khắp nước này.
Vụ vỡ nợ của công ty xảy ra sau khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt việc vay quá mức của các nhà phát triển nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng vọt.
Kể từ khi Evergrande sụp đổ, một số nhà phát triển lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng vỡ nợ.
Gần đây nhất, Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cảnh báo rằng đang "xem xét áp dụng nhiều biện pháp quản lý nợ khác nhau" – làm dấy lên suy đoán rằng công ty này chuẩn bị tái cấu trúc nợ do khó huy động vốn.
Từng là nhà phát triển lớn thứ hai của Trung Quốc, Evergrande phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản vào năm 2021, gây ra mối lo ngại lớn hơn về lĩnh vực bất động sản, vốn đóng góp tới 30% vào GDP của đất nước này.
Evergrande có trụ sở tại Quảng Châu đã báo lỗ ròng 105,91 tỷ nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD, vào năm 2022, so với khoản lỗ 476,04 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, theo kết quả nộp cho Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tháng 7.
Hồ sơ Chương 15 của Evergrande được đưa ra sau nhiều năm cơn sốt bất động sản lan tràn do nợ nần ở Trung Quốc. Thị trường nóng đến mức các nhà phát triển Trung Quốc phải vay rất nhiều tiền để xây căn hộ trước nhu cầu của thị trường.
Bắc Kinh đã cố gắng hạ nhiệt thị trường sôi sục từ nhiều năm nay. Vào tháng 8 năm 2020, các nhà chức trách bắt đầu xiết chặt lĩnh vực này bằng cách đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" quy định tỷ lệ nợ đối với các nhà phát triển bất động sản.
Các giới hạn nợ đã phát huy tác dụng, nhưng chúng cũng khiến lĩnh vực bất động sản bắt đầu rơi vào khủng hoảng vào năm 2021 khi Evergrande lao vào vòng xoáy nợ nần. Các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề tương tự và lĩnh vực này bắt đầu vỡ nợ đối với các khoản thanh toán trái phiếu.
Đầu tháng này, Country Garden, nhà phát triển khu vực tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, đã không trả lãi cho hai trái phiếu bằng đô la Mỹ.
Vài ngày sau khi rắc rối của Country Garden nổ ra, tin tức nổi lên rằng một công ty ủy thác lớn của Trung Quốc Zhongrong International đã không trả được nợ cho hàng chục sản phẩm đầu tư kể từ cuối tháng Bảy.
Các sự kiện đáng lo ngại khi chúng chỉ ra những rắc rối ngày càng sâu sắc trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau gần ba năm ngừng hoạt động vì COVID-19.
Giao dịch cổ phiếu Evergrande đã bị đình chỉ vào tháng 3 năm 2022.
Một kế hoạch trở lại?
Evergrande là một công ty lớn với hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố.
Công ty cũng có một số hoạt động kinh doanh phi bất động sản, bao gồm kinh doanh xe điện, kinh doanh chăm sóc sức khỏe và kinh doanh công viên giải trí.
Evergrande đã phải vật lộn để trả hết các khoản vay của mình sau khi chính thức vỡ nợ vào cuối năm 2021.
Nợ của công ty bất động sản này đã lên tới 2,437 nghìn tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái. tương đương khoảng 2% GDP Trung Quốc.
Evergrande cũng đã báo cáo trong một hồ sơ thị trường chứng khoán vào tháng trước rằng họ đã lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022.
Đầu năm nay, công ty đã tiết lộ kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ được chờ đợi từ lâu, đây là kế hoạch lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc.
Nhà phát triển cho biết họ đã đạt được "các thỏa thuận ràng buộc" với các trái chủ quốc tế về các điều khoảnchính của kế hoạch.
Việc tái cấu trúc được đề xuất sẽ "giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của công ty để tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề về nợ", Evergrande cho biết.
Là một phần của kế hoạch, Evergrande cho biết họ sẽ tập trung vào việc quay trở lại hoạt động bình thường trong ba năm tới, nhưng sẽ cần thêm khoản tài chính từ 36,4 tỷ USD đến 43,7 tỷ USD.
Công ty cũng cảnh báo rằng đơn vị xe điện của họ có nguy cơ đóng cửa nếu khôngc ó nguồn vốn mới.
Đầu tuần này, công ty ô tô NWTN có trụ sở tại Dubai, đã công bố khoản đầu tư chiến lược trị giá 500 triệu USD vào tập đoàn EV của Evergrande để đổi lấy khoảng 28% cổ phần.