“Vương quốc Anh có thể làm nhiều việc ‘không gây leo thang’ như cung cấp vũ khí chống tăng, xe tăng và pháo tầm xa cho Ukraine. Nhưng có một điều chúng tôi phải cố gắng tránh là để lực lượng NATO xung đột với lực lượng Nga”, Ngoại trưởng Anh David Cameron phát biểu với The Times.
“Đó là lý do tại sao, ngay từ đầu, tôi đã nói rằng chúng ta không thể thiết lập vùng cấm bay hoặc NATO đánh chặn [tên lửa Nga] trên bầu trời Ukraine”, ông Cameron nhấn mạnh.
Ông Cameron cũng lập luận rằng, với việc binh lính NATO “không trực tiếp giao chiến với binh sỹ Nga, bất kỳ viện trợ nào của liên minh quân sự này cho Ukraine đều có thể chấp nhận được”.
Bình luận của Ngoại trưởng Anh đưa ra sau khi một số nghị sĩ Đức ủng hộ ý tưởng cho phép các đơn vị phòng không “xuyên biên giới” của NATO bắn hạ tên lửa Nga trong không phận Ukraine. Theo các nghị sĩ này, làm như vậy có thể “giảm bớt gánh nặng cho lực lượng phòng không Ukraine và cho phép họ tập trung bảo vệ tiền tuyến”.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Nico Lange, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich, nhấn mạnh, các nước thành viên NATO nên sử dụng các hệ thống phòng không Patriot của họ để đánh chặn “tên lửa và máy bay không người lái Nga” trên lãnh thổ Ukraine từ lãnh thổ Ba Lan.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng châu Âu đang cố tình khuất động căng thẳng xung quanh tình hình ở Ukraine vì họ nhận ra lực lượng của Kiev phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong bối cảnh Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công.
“Thời điểm này rất quan trọng và tất nhiên, đây là một hành động mang tính khiêu khích”, ông Peskov nhấn mạnh.