Kỹ năng sống

Nghiên cứu tại Ấn Độ: Uống cà phê trong cốc giấy hại cho sức khoẻ

Uống cà phê trong cốc giấy là thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là những người bận rộn. Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên Tạp chí Hazardous Materials của các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Ấn Độ đã chỉ ra rằng đây là một thói quen có hại với sức khỏe.

Theo đó, các phát hiện cho thấy việc uống cà phê, trà và các loại đồ uống nóng từ cốc giấy có lớp lót chứa màng nhựa có thể khiến các hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Từ đó, các nhà nghiên cứu khuyên rằng bạn nên uống cà phê trong cốc sứ hoặc thuỷ tinh để có được những lợi ích từ cà phê.

Hạt vi nhựa được tìm thấy trong cốc giấy như nào?

Các nhà nghiên cứu đã đổ nước nóng vào cốc giấy có dung tích 100ml và để trong 15 phút. Theo khảo sát, đây là khoảng thời gian mà đa số mọi người sẽ uống hết tách cà phê của mình.

Nghiên cứu tại Ấn Độ: Uống cà phê trong cốc giấy hại cho sức khoẻ - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Ấn Độ tìm thấy hạt vi nhựa trong cốc giấy. Ảnh minh hoạ.

Sau đó, các nhà nghiên cứu soi cốc nước dưới kính hiển vi và phát hiện có khoảng 25.000 hạt vi nhựa trong đó. Các kim loại bao gồm kẽm, chì và crom cũng được tìm thấy trong các cốc nước này. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là những chất có nguồn gốc từ lớp lót bằng nhựa trong cốc giấy.

Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Sudha Goel, giải thích: "Một người uống 3 tách trà hoặc cà phê được đựng trong cốc giấy mỗi ngày đồng nghĩa với việc họ đã 'ăn' vào 75.000 hạt vi nhựa".

"Trong vòng 15 phút sau khi trà hoặc cà phê được đổ vào cốc giấy, nếu bạn không uống ngay, lớp vi nhựa trên cốc sẽ bị biến chất."

Hạt vi nhựa ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Nghiên cứu tại Ấn Độ: Uống cà phê trong cốc giấy hại cho sức khoẻ - Ảnh 2.

Các hạt vi nhựa rất có hại với sức khoẻ. Ảnh minh hoạ.

Các hạt vi nhựa là những mảnh nhựa hoặc sợi tổng hợp siêu nhỏ, có kích thước khoảng một micrômet, bé hơn sợi tóc 25 lần.

Nhiều báo cáo cho thấy các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các nguồn nước và trong các đại dương. Chúng không chỉ là mối đe dọa đối với các động vật thủy sinh mà còn với sức khoẻ con người.

Các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm tàng mà hạt vi nhựa có thể gây ra đối với sức khỏe con người. Theo đó, họ cho rằng, hít hoặc uống phải các hạt vi nhựa có thể gây ra bệnh tật, thậm chí là ung thư.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) đã tìm thấy dấu vết của bisphenol A (BPA), một chất hóa học được sử dụng để sản xuất nhựa, trong cơ thể của những người tham gia nghiên cứu. BPA được biết đến là chất có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tiến sĩ Varun Kelkar của Đại học Bang Arizona trả lời Tờ The Guardian rằng: "Chúng tôi lo ngại những vật liệu không phân huỷ sinh học này có thể xâm nhập, tích tụ trong các mô của cơ thể và gây ra những mối nguy hiểm đối với sức khỏe. Điều đáng lo hơn, những vật liệu này có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta".

Theo những thông tin được đăng tải trên Tạp chí Consumer Reports, BPA có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như những tác động tiêu cực đối với hệ sinh sản, béo phì, các vấn đề về đường tiêu hoá hay chậm phát triển ở trẻ nhỏ.

Uống cà phê bằng cốc giấy là nguy hiểm?

Nghiên cứu tại Ấn Độ: Uống cà phê trong cốc giấy hại cho sức khoẻ - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Trong nghiên cứu về việc uống cà phê bằng cốc giấy tại Ấn Độ, các nhà khoa học lưu ý rằng hầu hết các cốc giấy trong nghiên cứu của họ đều có chứa một lớp màng được lót bằng nhựa. Các nhà khoa học nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi muốn nói đó là các màng nhựa này sẽ bị biến chất khi tiếp xúc với nước nóng từ 85 đến 90 độ C. Khi các lớp màng này bị phân huỷ, các ion như florua, clorua, sunfat và nitrat sẽ được giải phóng vào trà hoặc cà phê có trong các cốc này".

Từ đó, để hạn chế việc vô tình ăn/uống/hít phải các hạt vi nhựa, các nhà khoa học Ấn Độ khuyên rằng, mọi người nên:

- Hạn chế uống nước đóng chai.

- Không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa.

- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, hút bụi thường xuyên.

- Dùng các sản phẩm được đựng trong thuỷ tinh thay vì nhựa.

- Không tái sử dụng các chai hoặc hộp nhựa dùng 1 lần.

- Khi mua các hộp nhựa, cần kiểm tra kỹ các thông tin về thành phần của hộp.

Nghiên cứu tại Ấn Độ: Uống cà phê trong cốc giấy hại cho sức khoẻ - Ảnh 4.

Cốc giấy ngày càng được ưa chuộng trong ngành thực phẩm. Ảnh minh hoạ.

Ngày càng có nhiều lo ngại về các hạt vi nhựa được tìm thấy trong bao bì thực phẩm, nhưng có rất ít bằng chứng về việc nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

Theo người phát ngôn của Paper Cup Alliance (Dự án Tái chế cốc giấy tại Hoa Kỳ), các cốc giấy được sử dụng trong nghiên cứu này là các cốc giấy được sử dụng tại Ấn Độ. Do đó, những báo cáo này chỉ đại diện cho các cốc giấy tại quốc gia này.

(Nguồn: Eat This, Not That, Daily Mail)


Cùng chuyên mục

Đọc thêm