Theo định hướng của tỉnh Bình Dương, Thuận An là nơi được quy hoạch làm trung tâm dịch vụ - phố Wall – phố trung tâm thương mại. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ quy hoạch hàng loạt các trung tâm thương mại, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, sân golf sẽ thành trung tâm đô thị và dịch vụ.
Tổ hợp thương mại tại Thuận An bao gồm các trung tâm thương mại - dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, chung cư cao cấp,… được quy hoạch tại khu vực trung tâm Lái Thiêu từ hai bên đường Quốc lộ 13 tới đường Nguyễn Văn Tiết.
Theo kế hoạch, Thuận An sẽ giữ lại và tập trung lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít lao động phổ thông, không mở thêm các khu, cụm công nghiệp trong đô thị.
Cùng với đó, Thuận An sẽ dần chuyển đổi các cơ sở công nghiệp sang loại hình công nghệ sạch. Bình Dương sẽ thực hiện di dời một số các khu công nghiệp chen lẫn trong các khu dân cư nhằm chuyển diện tích đất đai các cơ sở này sang mục đích dân dụng.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang tiến hành đẩy mạnh triển khai cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích biến Thuận An trở thành thành phố trung tâm dịch vụ - thương mại. Theo đồ án quy hoạch chung phát triển Thuận An thành trung tâm đô thị và dịch vụ, Bình Dương đã quyết định mở rộng Quốc lộ 13 thành đại lộ tài chính – thương mại – dịch vụ lớn nhất tỉnh.
Ngày 26/4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ động thổ dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn TP. Thuận An.
Từ đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, gồm có trung tâm 1 tọa lạc ở Lái Thiêu, trung tâm 2 tọa lạc khu vực ngã tư Quốc lộ 13 - đường An Thạnh - Bình Chuẩn, trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và đường DT473, trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư Quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.
Cụ thể, Bình Dương tiến hành khởi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ giáp ranh TP.Hồ Chí Minh đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ 06 làn xe lên 08 làn xe. Việc mở rộng Quốc lộ 13 nhằm khắc phục điểm nghẽn về giao thông trên đoạn đường này, mở ra diện mạo mới, cơ hội mới để Bình Dương tăng cường kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án được thực hiện với kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, bao gồm cả các hạng mục vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 4 làn xe, các nút giao khác được nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành. Ngoài ra, dự án còn đầu tư hệ thống thoát nước dọc kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt) giáp ranh với tỉnh Bình Phước.
Quốc lộ 13 không chỉ đóng vai trò là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương mà còn là tuyến đường huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Tỉnh Bình Dương tiến hành cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28), mở rộng về bên phải 02 làn xe (sau khi mở rộng là 08 làn xe). Cùng với đó, tỉnh đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 04 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành.
Để phát huy tối đa lợi thế của trục đường Quốc lộ 13, nhiều dự án giao thông khác cũng sẽ được triển khai liên thông với tuyến đường này để tạo ra một hành lang vận chuyển thông thoáng. Trong đó, có dự án quan trọng là đường Vành đai 3 được nối giao với đoạn Quốc lộ 13 đầu tiên được mở rộng (từ nút giao Đại lộ Tự Do đến đường Lê Hồng Phong).
Bên cạnh đó, dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến sẽ có điểm đầu tại nút giao ĐT743 với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, điểm cuối giao với Quốc lộ 14 tại Chơn Thành và có các đoạn tuyến nối cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với nút giao Gò Dưa (đường Vành đai 2 TP.Hồ Chí Minh).