TP - Những quả trứng kiến bé xíu, trắng đục trở thành đặc sản của núi rừng tỉnh Bắc Giang khiến nhiều người “nghiện”. Người làm nghề săn loại trứng này phải bỏ ra nhiều công sức và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.
Đặc sản núi rừng
Hơn 2 năm trước, mấy anh bạn làm ở Bảo tàng tỉnh Bắc Giang rủ tôi băng rừng, lội suối để khám phá những dấu tích đình chùa cổ ở mạn phía Tây của dãy Tây Yên Tử. Buổi trưa, cả đoàn nghỉ chân và ăn cơm ở một quán nằm sâu trong vùng đồi núi của huyện Lục Nam. Một anh bạn cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang chỉ tay vào món ăn lạ bày trên mâm cơm, rồi rỉ tai tôi bảo: “Đây là món đặc sản ở vùng núi tỉnh Bắc Giang”. Anh bạn lấy thìa xúc những quả trứng bé tí, màu trắng đục vào lá lốt, rồi quấn lại đưa tôi ăn thử. Vị béo, bùi và thơm của món ăn tan trên đầu lưỡi khiến tôi nhớ mãi. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món trứng kiến.
Anh Sơn đang lấy trứng kiến ra khỏi tổ
Sau lần đó, tôi dò hỏi mới biết có nhiều người làm nghề săn trứng kiến ở vùng núi đồi (huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động) của tỉnh Bắc Giang. Qua cánh thợ săn trứng kiến, tôi biết đến anh Khổng Minh Sơn, một tay lão luyện trong nghề. Anh Sơn hẹn tôi một ngày cuối tuần để cùng đi săn món đặc sản của núi rừng. “Thời điểm này, trứng kiến chưa nhiều nên phải đi vào sâu trong rừng mới thấy được. Mỗi chuyến đi săn trứng kiến phải mất cả ngày”, anh Sơn mở đầu câu chuyện.
Những quả trứng kiến trở thành đặc sản
Anh Sơn năm nay bước sang tuổi 48, nhưng có hơn chục năm trong nghề săn trứng kiến. Anh là một tay săn trứng kiến nổi tiếng nhất nhì ở xã Tam Tiến (huyện Yên Thế). Trong bộ quần áo rằn ri, anh Sơn phóng xe máy đưa tôi thẳng vào sâu trong rừng giáp với tỉnh Thái Nguyên bắt đầu cuộc săn trứng kiến. Đồ nghề anh mang theo có con dao quắm, chiếc rổ.
Anh Sơn kể, từ lâu đời, vào dịp Tết Thanh minh, đồng bào dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng ở đây thường đi lấy trứng kiến về để chế biến thành các món ăn, nhất là món xôi trứng kiến. Dần dần đặc sản trứng kiến trở thành món ăn khoái khẩu được nhiều người biết đến và tìm mua. Men theo lối nhỏ vào sâu trong rừng, đi được hơn chục cây số, anh Sơn dẫn tôi đến một khu rừng có nhiều cây phấn, cây luồng. Anh bảo, theo kinh nghiệm, khu vực này dễ tìm tổ trứng kiến. “Những người đi săn trứng kiến thường đi vào ngày nắng. Bởi ngày nắng dễ gõ kiến ra khỏi tổ, còn ngày mưa, kiến bết vào tổ, rất khó để lọc được trứng. Trứng kiến có quanh năm, nhưng mùa săn trứng kiến diễn ra từ tháng 2 - 3 âm lịch”, anh Sơn cho hay.
Anh Sơn trèo lên cây để lấy tổ kiến
Vừa đi, chúng tôi vừa căng mắt nhìn lên ngọn những cây phấn, cây luồng để tìm tổ trứng kiến. Đi được một đoạn, anh Sơn dừng lại, anh chỉ tay lên một ngọn cây cao, rồi reo lên: “Đây rồi, tổ này hứa hẹn có nhiều trứng kiến”. Những người đi săn trứng kiến lâu năm như anh Sơn chỉ cần nhìn bên ngoài có thể biết được tổ nào có nhiều trứng kiến. Theo anh Sơn, những tổ đen sẫm và khô, trứng đã nở thành con. Những tổ màu đen bạc, tròn vo, nâng lên thấy nặng tay sẽ có nhiều trứng kiến.
Kiếm tiền triệu/ngày
Sau khi “do thám” xong tổ trứng kiến, anh Sơn bắt đầu công việc lấy tổ trứng kiến trên đỉnh ngọn cây cao. Anh chặt một cây phấn dài hơn chục mét để buộc con dao quắm thành một chiếc câu liêm. Sau đó, anh trèo lên cây như một con sóc để lấy tổ trứng kiến. Cây nhỏ nên có lúc đưa anh Sơn sang bên trái, có khi đẩy anh sang bên phải. Trèo được một đoạn, anh Sơn dùng câu liêm móc tổ trứng kiến rơi xuống đất. Lúc này, hàng nghìn con kiến bò ra khỏi tổ. Anh Sơn vội lấy tay gỡ kiến ra khỏi người, rồi lùi ra xa khỏi tổ kiến chừng 4 - 5 mét. “Đợi khi phần lớn đàn kiến bò ra khỏi tổ, người săn trứng kiến sẽ chặt tổ kiến thành nhiều mảnh, rồi gõ từng mảnh để những quả trứng rơi ra. Việc làm này đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mỉ”, anh Sơn chia sẻ.
Đôi tay anh Sơn thoăn thoắt chặt nhỏ tổ kiến, rồi gõ nhẹ cho những quả trứng bé xíu, trắng đục rơi xuống rổ. Vừa gõ trứng kiến ra khỏi tổ, anh Sơn tâm sự, làm nghề săn trứng kiến cũng gian nan và cả nguy hiểm. Kiến đốt sưng tấy là chuyện bình thường đối với những người đi săn trứng kiến. Có lúc trèo lên cây cao để lấy tổ trứng kiến, chân tay dễ bị xây xát, có khi tứa máu. Đôi khi, người săn trứng kiến gặp phải các loài rắn độc lúc đang ở trên cây chọc tổ trứng kiến.
Cuộc đi săn của chúng tôi kết thúc khi mặt trời xuống dần sau những ngọn núi. Chiến lợi phẩm chúng tôi thu được là hơn 1 kg trứng kiến. Anh Sơn cho biết, vào mùa săn trứng kiến, anh có thể kiếm được 3 - 4 kg trứng kiến/ngày. Mỗi cân trứng kiến được bán với giá khoảng 300 nghìn đồng. Tính ra, anh kiếm được tiền triệu mỗi ngày. “Trứng kiến được các mối quen ở trong và ngoài tỉnh đặt mua từ trước. Mỗi chuyến đi rừng săn trứng kiến, người thợ săn luôn được các thương lái đợi sẵn ở nhà để thu mua. Trứng kiến thường không đủ để bán cho các mối quen”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, những năm gần đây, việc đi săn trứng kiến gặp khó khăn hơn, bởi ngày càng có nhiều người đi theo nghề này. Trước kia, ít người săn trứng kiến nên anh Sơn dễ dàng kiếm được 5-6 kg trứng kiến cho một ngày đi săn. Bây giờ, anh phải vào sâu trong rừng vài chục cây số mới có thể thấy tổ và chỉ thu được 3 - 4 kg trứng kiến.
Anh Sơn cho biết thêm, trứng kiến có thể chế biến nhiều món ăn, như: xôi, bánh, cháo, ăn cùng bánh đa, trộn lẫn trứng gà hoặc thịt băm để rán... Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến, xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Đặc biệt đối với món xôi trứng kiến, đồng bào dân tộc ở các vùng núi tỉnh Bắc Giang thường chọn gạo nếp nương vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 giờ, vớt ra để gạo ráo nước rồi cho vào chõ đồ chín.
Trứng kiến sau khi đã làm sạch, được để ráo nước. Phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào xào, khi thấy dậy mùi béo ngậy của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. “Xôi chín tới, xới tơi trộn đều với trứng kiến rồi cho ra đĩa, thưởng thức nóng sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà, quyễn rũ của lúa nếp nương, vị ngọt, bùi và ngậy của trứng kiến. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức xôi trứng kiến sẽ nhớ mãi”, anh Sơn nói.