Trước tiên, về tổng quan thị trường tuần giao dịch 8 – 12/8, VN-Index lình xình khi tiến đến vùng kháng cự ngắn hạn 1.260 điểm như nhiều công ty dự báo trước đó. Thông tin lạm phát tại Mỹ cho tín hiệu tạo đỉnh giúp nhà đầu tư giao dịch với tâm lý cởi mở hơn. Nhưng lực bán chốt lời khiến thị trường không như kỳ vọng.
Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.262,33 điểm, tăng nhẹ 0,77% so với cuối tuần trước. Lũy kế kể từ đầu năm, chỉ số giảm 15,75%. VN30-Index ghi nhận mức tăng tương tự ở 0,7% lên 1.280,96 điểm. Khởi sắc hơn, HNX-Index và UPCoM-Index tăng 1,17% và 1,66%.
Giao dịch tích cực của chứng khoán Việt Nam tuần này tương đồng với nhiều thị trường lớn khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia.
Khối tự doanh mua ròng gần 560 tỷ đồng cổ phiếu
Xu hướng tích cực của thị trường được hỗ trợ bởi lực mua từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán. Theo thống kê, khối tự doanh đảo chiều mua ròng 558,5 tỷ đồng cổ phiếu trên toàn thị trường sau khi bán ròng nhẹ 13,2 tỷ đồng trong tuần trước.
Về giao dịch chứng chứng quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội và chứng quyền, khối tự doanh trở lại bán ròng 156,6 tỷ đồng sau khi mua ròng mạnh 676,1 tỷ đồng tuần trước đó. Từ đầu tháng 8, chứng chỉ quỹ ETF nội và chứng quyền được mua ròng hơn 953 tỷ đồng.
Chi tiết trên từng sàn, hoạt động mua vào tập trung trên sàn HOSE với giá trị 538,6 tỷ đồng. Phiên 11/8 ghi nhận việc khối tự doanh mua ròng lớn nhất kể từ nhịp hồi phục với giá trị khoảng 445 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 8 đến phiên 12/8, khối tự doanh gom 757,34 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Xu hướng mua tiếp diễn trên sàn HNX và thị trường UPCoM. Cụ thể, khối tự doanh đẩy mạnh mua 13,1 tỷ đồng trên HNX và giảm lực mua trên UPCoM xuống còn 6,8 tỷ đồng, thấp nhất trong ba tuần giao dịch gần đây. Từ đầu tháng 8, khối tự doanh mua ròng 65,6 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Mã chứng khoán nào được khối tự doanh mua/bán nhiều nhất trong tuần?
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Hòa Phát được gom mạnh nhất với giá trị 122,9 tỷ đồng. Đây là mã chứng khoán duy nhất ghi nhận quy mô mua trên 100 tỷ đồng tuần này. Theo sau đó là VPB và NVL với 91,7 tỷ đồng và 64,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền từ khối tự doanh còn đổ vào các mã vốn hóa lớn với giá trị từ 20 đến 60 tỷ đồng như VNM (59,7 tỷ đồng), NLG (27,4 tỷ đồng), MSN (26,6 tỷ đồng), PLX (23,3 tỷ đồng), VCI (23 tỷ đồng) và SAB (19,5 tỷ đồng).
Ở chiều bán ra, FPT và PNJ vẫn là tâm điểm xả với giá trị 85,7 tỷ đồng và 53,6 tỷ đồng. Theo sau đó là REE (20,7 tỷ đồng) và MWG (12,8 tỷ đồng). Việc bán ròng các mã này liên quan đến xu hướng bán ra chứng chỉ quỹ ETF nội là DCVFM VNDiamond ETF.
Top10 mã cổ phiếu bị khối tự doanh bán ra mạnh nhất còn có VCB, MSB, AAA và KBC với quy mô 6 – 10 tỷ đồng.
Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, E1VFVN30 và FUESSVFL bị bán ròng 86,7 tỷ đồng và 90,1 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FUEVFVND được tự doanh mua ròng 30,2 tỷ đồng.
Khối tự doanh ưu tiên vị thế Bán (Short) trên thị trường phái sinh
Trên thị trường phái sinh, khối tự doanh CTCK giảm giao dịch trong tuần này. Tổng khối lượng giao dịch trong tuần là 15.016 hợp đồng, tương ứng giá trị 1.907 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản thấp nhất kể từ trung tuần tháng 7.
Khác với tuần trước đó, khối tự doanh đảo chiều ưu tiên cho vị thế Bán (Short) tuần này. Khối lượng vị thế Mua (Long) và Bán (Short) trong tuần là 5.865 hợp đồng (741,3 tỷ đồng) và 9.151 hợp đồng (1.166,1 tỷ đồng). Tuần trước có sự đảo ngược là 13.200 hợp đồng và 9.239 hợp đồng.
Trong bài phân tích mới đây, động thái giao dịch của khối tự doanh được cho rằng có liên quan đến việc chốt lời trên thị trường phái sinh sau một thời gian tích lũy vị thế.