Đến tận năm 2000 xóm tôi vẫn chưa có điện. Năm đó tôi 10 tuổi, vẫn còn nhớ rõ trong đám tang của ông nội, ba tôi phải mượn của mấy bác hàng xóm, nhà thì cái bóng đèn dây tóc, nhà thì chiếc bình ắc quy. Ngày thường đốt đèn mù u, đèn chong cóc leo lét đìu hiu. Đến khi bóng điện thắp sáng choang, đám con nít mới thấy bớt buồn hơn. Về sau bà nội tôi vẫn thường hay nhắc: "Tội nghiệp ông nội bây, mãi đến lúc chết vẫn chưa biết ánh sáng điện đường coi ra làm sao". Câu cảm thán của nội lại khiến tôi nghĩ ngợi mãi.
Nằm trong kẹt trong bưng, hồi ấy tôi không sợ gì cho bằng vào những chiều tan học trễ gặp trời mưa. Mưa khiến bóng tối sụp xuống rất nhanh, đường về thì xa, không có lộ làng và phải cuốc bộ chừng 5 cây số. Xóm tôi chủ yếu nhà lá nên khi người đi ngủ, để tiết kiệm và phòng hỏa hoạn, đèn dầu cũng được thổi tắt đi. Trái ngược với ngoài xã giăng đèn sáng rực, chỉ cần bước xuống đò qua bờ bên kia sông về nhà thì thế giới đã như bị chẻ làm hai. Vui và buồn. Sáng và tối.
Những bữa như vậy, ba tôi thường xách chiếc đèn pin cầm tay đi dần xuống chợ để đón con. Lúc hai cha con cùng về được đến nhà thì trời đã tối mịt. Má tôi dọn cơm bên chiếc đèn chong đốt bằng dầu, mờ câm. Đèn leo lét, lại thêm bầy ếch nhái ngoài đồng kêu inh ỏi nữa thì đúng là nẫu ruột.

Đèn mù u, người bạn bên trang sách học trò ở quê tôi một thời
ẢNH: TGCC
Không điện, không đường, trường lại xa nên con nít xóm tôi lần lượt nghỉ học. Tôi gắng gượng mãi đến lớp 9 thì một ngày đẹp trời, thấy ngoài đường nhộn nhịp mấy chú thợ điện đến đo đạc. Dân trong làng hớn hở truyền tai nhau điện sắp về làng. Ánh sáng trong mơ khiến ai nấy mừng đến mất ngủ. Ngày ba tôi gọi thợ đến vô đồng hồ điện rồi ngay trong đêm được tận mắt nhìn thấy bóng đèn huỳnh quang 12 tấc phát sáng soi rõ đến từng ngóc ngách trong nhà, bà nội tôi ngoài tám mươi tuổi cứ nheo mắt xuýt xoa: "Tỏ quá hén bây".
Ngay mùa lúa năm đó, ba tôi mạnh tay sắm dàn hát đĩa và tivi cho bà nội coi cải lương. Đó là chiếc tivi màu Belco 21 inch đầu tiên của xóm. Nhớ những đêm đi coi truyền hình ké, mấy chị em tôi vẫn thường hỏi ba là sao nhà mình không mua tivi. Ba tôi bảo: "Đợi có điện rồi sắm một cái thiệt tốt coi cho sướng".
Mà đúng là sướng thiệt. Không còn những sọc đen cà giật chớp tắt ngay lúc gay cấn vì bình ắc quy sắp hết điện, tụi nhỏ bọn tôi và bà nội có thể thỏa thích xem những hình ảnh trong vắt suốt cả ngày dài. Những nghệ sĩ cải lương đình đám một thời bà nội chỉ được nghe tiếng hát qua chiếc "la dô" (radio), giờ hiện lên với xiêm y mũ mão đủ sắc màu trong mấy tuồng hồ quảng khiến bà nội tặc lưỡi hoài: "Lệ Thủy không chỉ hát hay mà còn "ngộ gái" hết sức".
Tôi cũng vui vì được ba sắm cho chiếc đèn chụp để ở góc bàn học. Tạm biệt luôn thời phơi trái mù u khô lấy ruột làm đèn thắp học bài buổi tối. Chiếc đèn chụp có bóng nhỏ hình chữ U sáng choang cả căn buồng như ban ngày khiến tôi thấy thích thú với việc học hơn.

Ngày nay đèn đường thắp sáng làng quê suốt đêm
ẢNH: TGCC
Vui nhất là má tôi vì bây giờ mỗi chiều không còn phải xuống sông gánh từng đôi nước lên tưới rau. Ngày trước nhà tôi trồng màu để má bán ở chợ, việc tưới liếp mỗi ngày 2 lượt rất cực và nặng nhọc. Cũng như mỗi lần vệ sinh chỗ chăn nuôi gia súc, má tôi cũng phải gánh nước rồi leo vào bên trong quét tước dội chuồng. Có điện, ba tôi lắp mô tơ khiến việc làm sạch chuồng trại mấy chị em tôi cũng có thể phụ má làm được. Hơn bao giờ hết, công cuộc tưới liếp rau mất hàng nhiều giờ mỗi ngày giờ trở nên nhanh gọn và quá dễ dàng.
Ba tôi là thợ mộc, nhờ có điện mà công việc trở nên nhẹ nhàng và năng suất hơn xa. Thời bào tay, cưa tay thủ công có khi cả tháng ba chỉ đóng được một chiếc giường hộp. Điện về, đời sống người dân quê thay đổi, nhiều nhà khấm khá hơn nên mua sắm tủ bàn đồ gỗ nhiều nên ba tôi cũng dạn tay đầu tư máy móc phục vụ làm nghề. Chính những công cụ mới bằng điện giúp ba đỡ nhọc sức mà hiệu quả lại tăng cao. Mỗi tháng số đồ gỗ thành phẩm được đóng tăng lên, thu nhập gia đình cũng tăng theo, nhờ vậy mấy chị em tôi được học hành đến chốn đến nơi, em gái tôi trở thành cô học trò đầu tiên của xóm đậu đại học, sau này cũng thành tài.
Thật không sao có thể hình dung một xóm buồn heo hút dân cư thưa thớt, từ ngày có điện, làng quê tôi đã bị xóa sổ khỏi "hóc bà tó", không còn là xứ khỉ ho cò gáy khi đường xe ô tô có thể đến tận nhà và đèn đường thắp sáng thôn ấp suốt đêm. Không chỉ mang đến ánh sáng cho đêm tối, ánh sáng tri thức giúp bà con quê tôi dễ dàng tiếp cận phương tiện nghe nhìn cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, về kinh tế điện còn giúp thay đổi tập quán, quy mô canh tác, tăng năng suất trồng trọt, chăn nuôi phát triển nghề truyền thống nâng cao thu nhập. Và một điều cũng không kém phần quan trọng là điện đã thắp lên niềm tin trong lòng người dân thôn quê về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngày mai.
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.